Tác giả đã sống được gần 60 tuổi, làm học giả được khoảng hơn 20 năm, cho tới nay mới chợt tỉnh ngộ ra thế nào là “học”. Sự tỉnh ngộ ấy khiến cho tôi bỗng dưng rơi vào một nỗi xót xa sâu sắc: người Trung Quốc (dân tộc Trung Hoa) có lịch sử văn minh 5000 năm mà chẳng lưu lại bao nhiêu thứ thực sự đáng để hậu thế học tập.
Nếu muốn kiểm chứng điều này, thực ra không khó. Chỉ cần mời mọi người xem một lượt từ đầu đến cuối các giáo trình tiểu học, trung học, đại học, học viện, viện nghiên cứu sinh, xem trong số những tri thức đáng gọi là “học” dạy cho học sinh, rốt cuộc có bao nhiêu là do người Trung Quốc khám phá, phát minh và sáng tạo. Kết quả ra sao? Có thể nói, ngoại trừ ngữ văn Trung Quốc, Trung y Trung dược, sân khấu, thư, họa Trung Quốc, v.v. số lượng các tri thức thổ sản ấy đã cực ít lại cũng khó có thể gọi là “học” mà chỉ có thể gọi là “thuật” (kể). Hầu như 9999 phần vạn các tri thức còn lại đều là “sản phẩm du nhập qua đường biển” từ phương Tây. Trong các lĩnh vực như thiên văn, địa chất, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh vật, sinh lý, tâm lý, triết học, khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học, pháp học, luân lý học, tân văn học…), v.v. thì người Trung Quốc chúng ta không những có truyền thống 5000 năm lịch sử mà còn chiếm tỷ lệ số dân đông nhất thế giới, rốt cuộc sáng tạo được môn học nào, khoa học nào? Và chúng ta có ưu thế rõ rệt ở lĩnh vực nào vậy? Thậm chí người Nhật cũng có thể cười nhạo chúng ta “Đôn Hoàng ở Trung Quốc nhưng “Đôn Hoàng học” thì lại ở Nhật”.
Bình tĩnh tự xét lại mình, chúng ta nên thừa nhận trong nền văn minh Trung Hoa 5000 năm, chúng ta có động từ “học” (học hỏi, học ở chỗ hỏi, thế hỏi ai? Hỏi trời, hỏi các đại nhân, hỏi các thánh nhân) mà không có danh từ “học” (môn học, khoa học, những tri thức có năng lực sinh trưởng kéo dài, có sinh mạng riêng, tự làm thành hệ thống).
Nhìn chung từ xưa đến nay, chúng ta có quan trắc thiên văn nhưng không có thiên văn học; có khảo sát địa lý (như Từ Hạ Khách du ký…) nhưng không có địa chất học, địa lý học; có trồng trọt thực vật, vận dụng thực vật nhưng không có thực vật học; có dạy động vật và sử dụng động vật nhưng không có động vật học (phương pháp phân loại động, thực vật học do người phương Tây phát minh, hay hệ thống phân loại: bộ, lớp, ngành, giới, vực, sự sống…); có tính toán con số cụ thể nhưng không có toán học trừu tượng; có Tứ đại phát minh nhưng không có vật lý học, hóa học; có kiến trúc cầu, hầm, nhà nhưng không có cơ học kiến trúc (vật liệu, công trình, kết cấu); thậm chí ta có ngôn ngữ, chữ viết, hội họa, âm nhạc, nhưng không thành hệ thống như ngôn ngữ học, ngữ pháp học, tu từ học (Thuyết văn giải tự của Hứa Thận là một bộ tự điển, Mã thị văn thông là sản phẩm sau khi học tập ngữ pháp học của phương Tây, Lục thư pháp tắc chưa hình thành nguyên lý nghiêm chỉnh), mỹ thuật học (hội họa Trung Quốc không có thấu thị học, sắc thái học…), âm nhạc học (tuy rằng Chu Tải Dục đời Minh đã sớm nhất phát hiện thập nhị bình quân luật nhưng không làm nó trở thành hòa thanh học, âm luật học v.v…). Sau hơn 20 năm làm học giả Trung Quốc, tới nay tôi mới chợt bừng tỉnh sau giấc mơ lớn, người Trung Quốc chúng ta tự xưng có nền văn minh truyền thống 5000 năm nhưng lại là một nền văn minh vô “học”. Thưa đồng bào, lẽ nào mọi người không cảm nhận được điều đó ư? Tứ đại phát minh của chúng ta hẳn là vĩ đại đấy nhưng đều chỉ là “thuật” mà thôi, hơn nữa đó lại là kỹ thuật khá thô sơ do tiền nhân thời xưa phát hiện và phát minh ra trong trải nghiệm cuộc sống, trực tiếp tiếp xúc với thiên nhiên, những cái đó chưa được nâng lên thành “học”, cũng tức là chưa biến thành tư duy lý luận trừu tượng, thành học thuyết giải thích quy luật của sự vật. Chẳng hạn thuốc súng trong Tứ đại phát minh, thành phần vật chất (nguyên tố) của nó là gì? Tính chất hóa học là gì? Nguyên lý gây nổ của nó là gì? Lại nói kim chỉ nam trong Tứ đại phát minh, vì sao nó mãi mãi chỉ về hướng Nam (hoặc Bắc), rốt cuộc từ tính là gì? Tất cả những cái đó đều phải chờ đến sau này khi người phương Tây tiến hành tư duy lý luận trừu tượng mới có được nhận thức. Trên tất cả các mặt, người Trung Quốc chúng ta hầu như chỉ dừng bước ở “thuật” mà không tiến tiếp, do thế mà thành tựu trong lĩnh vực “học” cực kỳ nhỏ bé, quả thật có thể nói là vô “học”.
“Học” với ý nghĩa môn học là gì vậy? Mấu chốt là phải có lý luận trừu tượng cao độ, lý luận đó có thể giải thích hiện tượng đã có của sự vật, lại có thể mô tả một cách trừu tượng quy luật phát sinh của hiện tượng, vì thế không những có thể giải thích cụ thể sự vận hành thực tế lúc đó của sự vật mà còn có thể dự đoán trạng thái và sự biến đổi của sự vật trong tương lai. Và sau đó được kiểm chứng, chứng thực, hoặc bác bỏ trong thực tiễn.
Một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng lý luận là phải nắm được quy luật tư duy logic cơ bản nhất. Hơn 2000 năm qua, nhất là 500 năm gần đây, người Trung Quốc từ nhỏ được tiếp thụ nền giáo dục chỉ có sự nhồi nhét Tứ Thư Ngũ Kinh, xưa nay chưa bao giờ biết logic là cái gì, sĩ đại phu và văn nhân còn như vậy, nói gì tới đông đảo dân chúng mù chữ. Ở Trung Quốc còn có một điểm đặc biệt làm đứt đoạn nền văn minh, đó là sự tách rời hầu như tuyệt đối giữa người lao động phổ thông với tầng lớp văn nhân biết đọc biết viết. Hầu như toàn bộ những người Trung Quốc tiếp xúc với thiên nhiên và có kinh nghiệm lao động sản xuất đều không biết đọc biết viết, còn giới văn nhân Trung Quốc biết đọc biết viết lại hầu như không tiếp xúc với thiên nhiên. Nói cách khác, từ xưa tới nay cái đầu (tư duy) và cái tay (thực tiễn) của người Trung Quốc hầu như bị tách rời tuyệt đối. Cộng thêm tư duy của văn nhân Trung Quốc về căn bản thiếu mất sự huấn luyện có ý thức của tính quy luật logic, qua đó tạo nên sự tách rời tuyệt đối giữa “thuật” với “học”. Vì sự tách rời kép này, ngay cả khi chúng ta không xét đến nhiều yếu tố khác như sự cực kỳ bất lợi của thể chế xã hội, phong tục, thì nó cũng đã cản trở nghiêm trọng con đường phát triển trí tuệ của người Trung Quốc. Đó dường như là số phận ngu dốt của người Trung Quốc trong mấy nghìn năm qua, nhất là trong 200 năm gần đây.
Sự tách rời giữa đầu óc với tay chân trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng tức là tách rời nghiêm trọng giữa tư duy và thực tiễn, cùng sự xa lạ giữa tư duy với logic của văn nhân Trung Quốc, đã tạo ra cái “học” của người Trung Quốc. Nó hầu như duy nhất chỉ có cái “học” hỏi mà căn bản không có sự học hiểu, suy luận, giải thích, càng chưa thể nói tới sự học sáng tạo, xây dựng và tào tạo ra tư duy logic trừu tượng. Tứ Thư Ngũ Kinh và những thứ tràn lan thành tai họa hơn nữa như Kinh, Sử, Tử, Tập của người Trung Quốc hầu như toàn bộ đều là sự học hỏi. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chỉ có sự học hỏi, cộng thêm sự tách rời giữa đầu (tư duy) với tay (thực tiễn), và tiếp tục tạo ra sự tách rời giữa cái “học” đích thực với “thuật”, sự tách rời kép này trên thực tế đã tạo nên sự vô “học” của người Trung Quốc từ xưa tới nay. Trải qua quá trình Tây học truyền vào 100 năm gần đây, Trung Quốc ngày nay cũng chỉ đi theo cái “học” của phương Tây mà về cơ bản chưa có cái “học” của chính mình. Chính vì thế mà người học của Trung Quốc ngày nay, trong quá trình học sẽ cảm thấy một cách nghiêm trọng rằng mình đã mắc phải chứng “mất tiếng nói”. Hầu như mọi từ ngữ, khái niệm về “học” đều du nhập từ phương Tây, mà không có liên quan chút nào với truyền thống văn hóa của mình. Miệng là của người Trung Quốc nhưng nội dung lời nói lại là những điều trải qua sự suy nghĩ nghiền ngẫm của người phương Tây. Giấy viết, sách vở là của người Trung Quốc (song máy móc làm giấy, làm sách cũng có thể của phương Tây), nhưng mọi đạo lý, quy phạm, quy tắc, quy luật, v.v. đều là những thứ được người phương Tây phát hiện, phát minh và sáng tạo ra. Trong tình hình này chúng ta còn có thể nói người Trung Quốc không “ngu dốt” ư? Nếu còn muốn tự khoe mình “thông minh” kiểu AQ thì chúng ta “thông minh” ở chỗ nào vậy? Thực ra khi phân tích kỹ nền văn minh 5000 năm của Trung Quốc vẫn có một môn tri thức có thể được gọi là “học”, đó là “Trung Y học”. Có lẽ cũng chỉ duy nhất trong “Trung Y học”, người Trung Quốc có thể để lại cho nhân loại một thứ có thể gọi là “lý luận” của mình, lý luận đó là “Âm dương ngũ hành”. Tiếc rằng tuy đây là lý luận duy nhất của người Trung Quốc có thể sánh được với lý luận logic của phương Tây, nhưng kể từ khi nó được sinh ra cách đây hơn 2000 năm, trong quãng thời gian dài dằng dặc sau đó lại không hề có chút tiến triển nào. Người Trung Quốc không hề nghĩ tới chuyện làm thế nào để tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh lý luận này, mà chỉ mù quáng sùng bái nó, làm theo nó. Cuối cùng lý luận ấy chẳng những chưa được cải thiện mà ngược lại ngày càng trở nên cũ kĩ, chết cứng. Cho tới nay số người Trung Quốc tiếp thụ lý luận logic của phương Tây càng ngày càng tăng, họ chỉ có thể coi thường thuyết Âm dương ngũ hành, phỉ nhổ nó, thậm chí bêu xấu nó, coi là thứ lạc hậu, mê tín, cùng một loại với thuật phù thủy. Cây ngay không sợ chết đứng, lý luận Âm dương ngũ hành thực sự không phải là mê tín, không phải cùng một thứ với quỷ thần, phù thuỷ. Tác giả cho rằng đó là logic của sự sáng tạo độc đáo của người Trung Quốc, và đó là logic của đối xứng chéo và xoay vòng tuần hoàn hoàn toàn khác với logic đối xứng nhị nguyên của người phương Tây.
[Nói một chút về thuyết Âm dương ngũ hành]
Xin trở lại vấn đề ở trên, đi tìm căn nguyên tại sao người Trung Quốc trong lịch sử lại vô “học”. Hiện nay có thể đã rất rõ ràng, đó là do trong lịch sử dài lâu, người Trung Quốc chưa tự mình sáng lập được một cơ sở có thể làm nền móng cho tất cả mọi thứ “học”, cái cơ sở mà người phương Tây cận hiện đại dựa vào để xây dựng hầu như tất cả mọi thứ “học”, logic đối xứng nhị nguyên luận. Nói rõ hơn, đó là logic hình thức, logic hình học, logic toán học, logic biện chứng, v.v. mà người phương Tây đã từng bước cải thiện kể từ Aristotle và Euclid. Những logic này về bản chất là đối xứng nhị nguyên luận. Triết học phương Tây kể từ Plato, từ bản thể luận tới nhận thức luận, thứ được các triết gia phương Tây ra sức hoàn thiện là bản thân phương pháp tư duy logic đối xứng nhị nguyên luận. Chính sự hoàn thiện không ngừng phương pháp logic của triết học phương Tây (từ triết học cổ đại đến triết học cận hiện đại) và sự kết hợp hữu cơ với phương pháp thực nghiệm có chọn lọc trong thời cận đại mới sinh ra và phát triển khoa “học” của phương Tây trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ.
Hegel nói người Trung Quốc “không có triết học”. Thật không may người Trung Quốc đã bị ông ta nói trúng. Đúng là người Trung Quốc không có triết học, mà căn bản lại ở chỗ người Trung Quốc không có logic, đương nhiên là chỉ logic đối xứng nhị nguyên luận. Văn nhân các đời của Trung Quốc chưa từng bỏ công sức vào việc nghiên cứu quy luật của bản thân tư duy. Họ chỉ có duy nhất một phương pháp tư duy là độc đoán trực giác. Tư duy độc đoán trực giác ấy ngoài việc sản sinh những ý kiến đủ mọi màu sắc ra thì không thể mở rộng, kéo dài sự lý luận, càng không thể tạo nên sự sáng tạo trừu tượng. Cho nên những tác phẩm do các văn nhân Trung Quốc sáng tác, ngoài ý nghĩa như hạt cát chất đống ra thì căn bản không thể có giá trị lý luận kiến cấu hữu cơ. Điều đó khiến cho văn nhân Trung Quốc bao đời qua chưa bao giờ hiểu được cái gì là lý luận. Về cơ bản, văn nhân Trung Quốc là một đám người lùn văn hóa chẳng biết lý luận là cái gì, chỉ biết phát biểu ý kiến (tính khí chủ quan) mà thôi. Dựa vào những người ấy thì mãi mãi chẳng có thể xây đắp nên tòa lâu đài khoa học cận hiện đại, tức là trên phương diện sáng lập kỹ thuật và nghệ thuật thì phần lớn cũng chỉ có thể là những thứ bình thường, nông cạn, nhàm chán, thậm chí lạc hậu. Chính vì thế mà đã hình thành một lịch sử dường như vô “học” của Trung Quốc hơn hai nghìn năm qua, cũng vì đó mà tạo ra sự ngu dốt trên thực chất của văn nhân Trung Quốc, rồi mở rộng ra thành sự ngu dốt của người Trung Quốc (nhất là trong 200 năm gần đây).
Trong tất cả các nguyên nhân làm cho người Trung Quốc thời cận hiện đại bị đày đọa (trong các phương diện như chính trị, kinh tế, văn hoá, v.v.), nguyên nhân căn bản nhất là sự ngu dốt của họ, tình trạng này đã dần dần tích tụ mà thành trong lịch sử lâu dài. Do ngu dốt mà trở nên lạc hậu, nghèo khó, bị kẻ khác lừa dối, đánh đập, kỳ thị. Chỉ có nhận thức được sự ngu dốt của mình và thoát ra khỏi sự ngu dốt ấy thì người Trung Quốc mới có thể thay đổi tất cả trong thế kỷ mới, thời đại mới.
Trên đây đã phân tích nguyên nhân tại sao người Trung Quốc trong lịch sử là vô “học” , tóm lại gồm hai điểm chủ yếu sau:
1- Trong lịch sử lâu dài, những người Trung Quốc biết chữ thì không làm công việc sản xuất, ngược lại, những người làm sản xuất thì không biết chữ, điều này đã tạo nên sự hoàn toàn tách rời giữa tư duy với thực tiễn. Nói gọn lại, tức là sự hoàn toàn tách rời giữa “não” và “tay” của người Trung Quốc.
2- Những người Trung Quốc biết chữ nhưng cũng chỉ có cái học gọi là “học hỏi” (hỏi mệnh trời, hỏi đại nhân, hỏi thánh nhân), mà không có cái học lý luận, tư duy logic, nó khiến cho người Trung Quốc dường như vô “học”, mà chỉ có cái nông cạn là “thuật”, tức hình thành nên khoảng cách hoàn toàn tách rời giữa “học” và “thuật”. Trong lịch sử dài hơn 2000 năm, sự hoàn toàn tách rời giữa “não” và “tay”, giữa “học” và “thuật” của người Trung Quốc – sự tách rời kép này là căn nguyên lịch sử tại sao người Trung Quốc ngu dốt như thế. Vấn đề này phải tiếp tục được phân tích, Vì sao người Trung Quốc lại có căn nguyên lịch sử như thế? Đây chính là vấn đề cần giải đáp trong phần sau.
Đọc tiếp phần 2 – chương 28: Sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất yếu của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của các triều đại phong kiến thống trị