Có người sẽ hỏi, chỉ nghe nói lịch sử phương Tây có “thời Trung Cổ”, còn thời Trung Cổ của lịch sử Trung Quốc đến đâu?
Quả thực, lịch sử Trung Quốc không nói “thời Trung Cổ”, nhưng tương tự như vậy thì có, đó là “xã hội phong kiến Trung Quốc tại sao lại kéo dài như vậy?” Trong phần trước của quyển sách này, tôi đã thảo luận qua rằng không nên gọi xã hội Trung Quốc trước khi triều Thanh sụp đổ là xã hội phong kiến. Nếu có xã hội phong kiến, thì đó chỉ là trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc kể về trước. Còn xã hội Trung Quốc kể từ triều Tần phải gọi chính xác là xã hội đại nhất thống chuyên chế cực quyền. Từ triều Tần bắt đầu đến khi triều Thanh sụp đổ, khoảng 2000 năm này có thể gọi là thời Trung Cổ của Trung Quốc, thời Trung Cổ này gấp đôi thời Trung Cổ của phương Tây (từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15), gọi đây là thời Trung Cổ vì nó có đặc điểm giống như thời Trung Cổ của lịch sử phương Tây. Điểm chung là trong thời kỳ này cả Trung Quốc và phương Tây đều bị nhốt bởi thứ gọi là nguỵ tín ngưỡng, nguỵ tri thức, còn tinh thần tín ngưỡng và tìm kiếm tri thức chân chính của nhân loại thì bị đàn áp to lớn. Cho dù ở thời Trung Cổ của Trung Quốc hay của phương Tây, đó cũng là thời kỳ mê muội tinh thần của con người.
Vào đầu thời Trung Cổ phương Tây, cột mốc quan trọng là Cơ đốc giáo được Hoàng đế La Mã Constantinus I trú trọng, không lâu sau đã được xác định là quốc giáo của đế chế. Sự kết hợp giữa Cơ đốc giáo và quyền lực của đế quốc đã thay đổi hoàn toàn tinh thần nguyên thủy của Cơ đốc giáo. Hình tượng ban đầu của Chúa Giê-xu chịu khổ đau, chịu khó khăn, chịu đàn áp bây giờ đã trở thành người truyền bá tình yêu “yêu người xung quanh bạn”, thậm chí “yêu kẻ thù của bạn”, thậm chí còn trở thành hình tượng của chủ nghĩa chịu đựng, thà chịu áp bức và lăng nhục cũng không phản kháng, “nếu ai đó đánh vào mặt trái của bạn, bạn có thể tiếp tục để anh ta đánh vào mặt phải của bạn.” Càng quan trọng hơn là sự trỗi dậy của giáo hội và chế độ giáo hoàng đã tạo thêm một rào cản cho sự giả dối giữa tín đồ bình thường với Chúa trời. Niềm tin của mọi người bị đầu độc bởi quyền lực và chế độ đẳng cấp. Sự sùng bái của mọi người về Thiên Chúa biến thành sự sùng bái các giáo sĩ. Cái hữu hạn che đậy cái vô hạn, trò lừa đảo thực tế được cải trang thành vĩnh hằng, tinh thần thành kính của tín ngưỡng ngược lại trở thành thành xiềng xích tinh thần và thậm chí cả thể xác. Sự lũng đoạn tinh thần của giáo hội đã trở thành gông cùm đối với tinh thần tìm kiếm tri thức của mọi người. Những người mê tín vào những thần thoại trong Thánh Kinh và những nhà thần học, những nhà triết học mê tín vào những siêu hình của Plato và Aristotle đã tạo ra một lượng lớn kiến thức giả không có ích lợi thực tế cho người phương Tây. Mặc dù tinh thần tìm kiếm tri thức sôi nổi ở Hy Lạp cổ đã bị bao phủ bởi một lớp giáp dày trong thời này, nhưng tinh thần lý tính của Plato, Aristotle và những kiệt tác khác vẫn là một bước đệm quan trọng của thời kì kiến thức mê muội này.
Sự kết thúc của thời Trung Cổ châu Âu là kết quả của ba lực lượng hành động đồng thời được mô tả dưới đây.
Thứ nhất là chủ nghĩa bành trướng của Cơ đốc giáo vào cuối thời Trung Cổ. Các cuộc phiêu lưu hàng hải mạo hiểm của Columbus và Vasco da Gama thực sự là sự tiếp nối của các cuộc thập tự chinh. Chủ nghĩa phổ độ của Cơ đốc giáo thay đổi tín ngưỡng dị đoan và tinh thần hiếu chiến vốn là một sản phẩm tinh thần trực tiếp để lại cho người phương Tây trong “thời đại tín ngưỡng” thời Trung Cổ.
Thứ hai, đó là sự kháng cự đến từ bên trong Cơ đốc giáo. Các lãnh tụ đạo Tin lành đã vạch trần sự giả thiện của giáo hội trong một thời gian dài, và kiên quyết trở lại tinh thần nguyên bản của Cơ đốc giáo, càng triệt để chỉ ra bản chất của con người là “ác”.
Thứ ba, đó là sự đả kích của những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng bên ngoài Cơ đốc giáo đối với sự giả thiện của giáo hội. Machiavelli trong “Quân vương luận” đã trực tiếp chỉ ra yếu chỉ của sự thành công của nhà vua là ở sự giả thiện và hung ác.
Cả ba lực lượng hành động trên dù khác nhau nhưng đều cho thấy rằng bản chất “ác” của con người, trở về với tinh thần tín ngưỡng chân chính vào Thượng đế, chủ nghĩa nhân văn càng mang lại truyền thống tinh thần tìm kiếm tri thức lý tính của Hy Lạp cổ. Cả ba lực lượng đã đạt đến sự hợp tác chặt chẽ trong thế kỷ 16, biến tín ngưỡng chân chính thay thế nguỵ tín ngưỡng, tri thức chân chính thay thế nguỵ tri thức, trở thành tinh thần nền tảng của nhân loại trong các cuộc cách mạng khoa học, cách mạng trong thế kỷ 17 và cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 18. Tinh thần tính ngưỡng đã cung cấp động lực cho việc mở rộng và cạnh tranh. Tinh thần tìm kiếm tri thức đã cung cấp động lực để tìm kiếm sự hợp tác và nâng cao hiệu quả và lợi ích. Tinh thần tín ngưỡng và tìm kiếm tri thức của người phương Tây không những đã khiến cho sự sáng tạo văn hoá của họ trong 5 thế kỷ sau đó vượt xa mấy nghìn năm trước cộng lại, mà còn khiến họ trở nên dẫn đầu toàn nhân loại. 5 thế kỷ gần đây chính là thế kỷ của người phương Tây.
Mặc dù thời Trung Cổ của lịch sử Trung Quốc đã bắt đầu từ sự thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng, nhưng sự kiện mang tính biểu tượng hơn đó là đề xuất “xoá bỏ bách gia, chỉ còn Nho gia độc tôn” của Đổng Trọng Thư thời Hán Vũ Đế. Giống như khi bắt đầu thời Trung Cổ ở phương Tây, trước khi Cơ đốc giáo trở thành quốc giáo của Đế quốc La Mã, Cơ đốc giáo đã nhiều lần bị các hoàng đế La Mã trấn áp, ở Trung Quốc, trước khi Nho gia được xác định là độc tôn vào thời Hán Vũ Đế, nó cũng đã từng bị tiêu diệt vào thời Tần Thuỷ Hoàng dưới phương thức “đốt sách chôn Nho sinh”. Nho thuật là độc tôn, tức trở thành Nho giáo. Tuy học thuyết của Nho gia và Cơ đốc giáo có một điểm giống nhau đó là cùng đề xướng “Ái nhân” (yêu người), nhưng chính điểm chung này đã khiến cho thời Trung Cổ của phương Tây và Trung Quốc có chung một văn hoá đặc trưng đó là giả thiện. Chính sự giả thiện này đã khiến cho tri thức của thời Trung Cổ phương Tây và Trung Quốc có chung chủ nghĩa mê muội.
Sự khác biệt đó là người phương Tây dựa vào sự phục hồi truyền thống cổ xưa của họ, tức là về tín ngưỡng thì trở lại với “nhân tính bản ác” của Do Thái giáo, từ đó hướng thiện là tinh thần tín ngưỡng Thượng Đế truyền thống, về tri thức thì trở lại với “nhân tính bản ác” của các triết gia Hy Lạp cổ, từ đó hướng thiện đó là tinh thần tìm kiếm tri thức truyền thống. Họ không chỉ tự mình phá bỏ chủ nghĩa mê muội của thời Trung Cổ, mà từ đó còn đưa sự sáng tạo văn hoá của họ vào một thời đại phát triển thần kỳ, đó cũng chính là 5 thế kỷ sáng lập vĩ đại của khoa học và dân chủ.
Người Trung Quốc thiếu truyền thống tinh thần tín ngưỡng và tìm kiếm tri thức chân chính, do đó tạo ra chủ nghĩa mê muội trong thời Trung Cổ của lịch sử Trung Quốc. Người Trung Quốc không thể tìm thấy một vũ khí mạnh mẽ bằng cách trở lại truyền thống của họ, mà việc phục hồi truyền thống chỉ làm người Trung Quốc càng lún sâu vào chủ nghĩa mê muội của thời Trung Cổ. Kết quả rõ ràng của việc trở lại với truyền thống của Lý học (phái triết học duy tâm) hay còn gọi là Tân Nho gia thời Tống và Minh đó chính là khiến người Trung Quốc ở Trung Nguyên 2 lần bị đánh bại bởi các dân tộc thiểu số ở biên cương (Nguyên, Thanh). Thời Minh và Thanh, với tinh thần bảo thủ khép kín, đã kiềm chế tư tưởng của người Trung Quốc, sự bức hại của “Văn Tự Ngục” (nhà tù văn tự) đã lên tới đỉnh điểm trong lịch sử. Thời Trung Cổ trong hơn 2000 năm lịch sử Trung Quốc, kẻ cầm đầu chính là Nho gia, đặc biệt là Nho gia đã biến thành Nho giáo.
Thời Trung Cổ của lịch sử Trung Quốc thực sự phải đến sau khi người phương Tây xâm lược mới bị phá vỡ. Đó cũng là câu trả lời chính xác nhất tại sao thời Trung Cổ của Trung Quốc lại kéo dài như thế. Chính là vũ lực của người phương Tây, ưu thế văn hoá của người phương Tây mới thúc đẩy tâm linh nhạy cảm của người Trung Quốc và khiến những người Trung Quốc tiên phong với tư tưởng hiện đại đã kêu gào “đánh đổ Khổng gia”. Những điều này có một sự tương đồng nhất định với chủ nghĩa nhân văn phản đối sự thống trị hắc ám của giáo hội trong thời kì Phục Hưng của người phương Tây. Nho giáo là đại biểu của nguỵ tín ngưỡng, nguỵ tri thức của thời Trung Cổ Trung Quốc cũng giống như giáo hội Thiên Chúa là đại biểu của nguỵ tín ngưỡng, nguỵ tri thức của thời Trung Cổ phương Tây. Phong trào “Ngũ Tứ” đã mang đến một tia sáng tinh thần ngắn ngủi, nhưng người Trung Quốc rốt cuộc đã không tập hợp đủ sức mạnh tinh thần để hoàn toàn vượt qua bóng tối của thời Trung Cổ kéo dài. Các truyền thống lịch sử của văn hóa Trung Quốc đã định trước người Trung Quốc phải chịu đau khổ trên con đường dài để sáng tạo văn hoá mới.
Đọc tiếp chương 12: Tại sao người Trung Quốc thiếu tinh thần tín ngưỡng thực sự?