Câu trả lời cho câu hỏi này rất giống với câu trả lời cho câu hỏi tại sao người Trung Quốc không thể là người đầu tiên phát triển khoa học hiện đại. Tuy nhiên, chắc chắn rằng vấn đề thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự còn căn bản hơn vấn đề không phải là người đầu tiên phát triển khoa học hiện đại. Khoa học chỉ là một khía cạnh của việc theo đuổi tri thức, mặc dù là một khía cạnh khá quan trọng.
Ngoài ra, vấn đề thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự cũng song hành với vấn đề thiếu tinh thần tín ngưỡng thực sự.
Đầu tiên, chúng ta hãy xác định tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự là gì. Sau đó, chúng ta sẽ xác nhận xem người Trung Quốc có thực sự thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức này hay không. Và cuối cùng, chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân sâu xa của việc thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự của người Trung Quốc.
Tác giả cho rằng, tinh thần tìm kiếm tri thức đích thực là gì có thể được giải đáp trong một câu. Đó là tinh thần được hình thành từ khao khát tột độ của con người đối với sự ham muốn tri thức, vì tri thức mà tìm kím. Đây là tinh thần luôn tìm kiếm kiến thức sống, kiến thức mới và thậm chí là kiến thức tối thượng.
Trước đây chúng ta đã nói về ba ham muốn chính của con người: ham muốn ăn uống, ham muốn tình dục và ham muốn tri thức. Ba điều đó không thể tách rời trong một con người. Nhưng cả ba nên được tách biệt theo nhu cầu tương ứng của họ. Ăn uống là để thỏa mãn nhu cầu sinh tồn; quan hệ tình dục là để thỏa mãn ham muốn tình dục cũng là để tái tạo sự sống (không chỉ có con cái mà còn là tái tạo tinh thần sống của cá nhân); tìm kiếm tri thức và thỏa mãn ham muốn tri thức là vì sự thăng hoa của đời sống con người và sự sáng tạo văn hóa. Trong một thời gian, chúng ta đã coi những người theo đuổi văn chương là vì lợi ích của văn chương, nghệ thuật là vì lợi ích của nghệ thuật, khoa học là vì lợi ích của khoa học và tóm lại, những người theo đuổi tri thức vì lợi ích của tri thức là sự suy đồi và suy tàn của giai cấp tư sản. Chúng ta không biết rằng điều này thật là không biết tự lượng và lố bịch như con chó sủa cái bóng của nó. Trước hết đừng hỏi Trung Quốc có tư tưởng và con người như vậy từ khi nào? Nếu thật sự có, họ đáng được tôn trọng và quý giá biết bao, tại sao vẫn bị người ta vu khống, vu khống một cách khó hiểu như vậy?
Đối với những lời nói u mê bất thường của con người trong những thời điểm bất thường, chúng ta không phải lo lắng về điều đó. Nhưng điều tôi muốn nói chắc chắn với mọi người bây giờ là, những người theo đuổi văn chương, nghệ thuật, khoa học, tóm lại là tri thức thì đó chính là hiện thân của tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự của con người. Nó là nguồn sinh lực để con người không ngừng tìm kiếm những kiến thức sống, những kiến thức mới, thậm chí là những kiến thức tối thượng.
Lý tưởng cao nhất của Khổng Tử là “nhân”chủ yếu là ở “thực hành”. Xét về trình tự thực hành, thứ nhất là “hiếu thảo”. Người đệ tử khi vào thì phải hiếu thảo, khi ra thì phải kính nhường, phải chân thành và đáng tin cậy, yêu thương người khác và có lòng nhân ái, có đủ thời gian thì học văn chương”. Chỉ khi có đủ thời gian, bạn mới có thể “học văn chương” và tìm kiếm kiến thức. Việc “theo đuổi tri thức” của Khổng Tử chủ yếu nằm ở việc “học để biết”, nhưng ông thừa nhận có những người “sinh ra đã biết” và tin rằng “những người sinh đã biết là tốt nhất”. Bản thân Khổng Tử cho rằng “Mình không phải là người sinh ra đã có tri thức, mà là người yêu cái cũ và quyết tâm theo đuổi nó”. Có thể thấy, việc theo đuổi tri thức của Khổng Tử thực chất là tìm cách khôi phục lại cái cũ, ông nói “không sáng tạo ra kỹ thuật gì mới, chỉ là tin vào cái cũ”, coi mình là người truyền đạt trung thành kiến thức của người xưa. Việc “học” của Khổng Tử còn bao gồm “nghe nhiều” và “nhìn nhiều”: “Nghe nhiều thì chọn cái hay mà theo; nhìn nhiều thì biết, tri thức chính là thứ có được tiếp theo”. Một mặt, Khổng Tử đồng ý với việc “học nhiều thì hiểu biết nhiều hơn”; mặt khác, ông nhấn mạnh “sự nhất quán”, vậy “sự nhất quán” nghĩa là gì? Câu trả lời của Khổng Tử là “đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn người khác làm với mình”. Tăng Tử tóm tắt: “Con đường của Khổng Tử không gì khác hơn là lòng trung thành và sự tha thứ”. “Nhân” là ở chỗ “yêu người”, “trí” là ở chỗ “biết người”. “Người quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học.” Đọc xong Luận ngữ của Khổng Tử, hẳn người ta sẽ thất vọng rằng Thánh nhân đã không đặt một nền tảng thực sự và có lợi để nuôi dưỡng tinh thần tìm kiếm tri thức của người dân Trung Quốc. Đây chỉ là sự nhận định xem tinh thần tìm kiếm kiến thức có tồn tại hay không chứ không phải là lời chỉ trích đối với người xưa. Bậc thánh nhân đặt mọi đối tượng “tri thức” của mình vào đạo đức cuộc sống. Cụ thể hơn, nó là việc học tập và thực hiện lễ nghi. Bởi vì ông tin rằng “kiềm chế bản thân, khôi phục lễ nghĩa là nhân”, và ông cũng tin rằng “một ngày từ bỏ bản thân và trở lại lễ nghĩa, thiên hạ sẽ trở lại với nhân từ”. “Nhân” là cái thiện cao nhất của Khổng Tử. “Người trí làm lợi cho đức nhân”, mục đích của “trí” là để thực hiện cái thiện cao nhất là “nhân”. “Người có nhân không đặt cái gì trên chữ nhân”, mà “nhân” là ở “ái nhân” (yêu thương người), “lập nhân” (Người có nhân muốn thành người nhân đức thì cũng muốn người khác như mình), và “đạt nhân” (người có nhân đã làm được việc gì cũng muốn người khác đạt như thế), “việc mình không muốn thì đừng làm như vậy đối với người khác”, cuối cùng trở thành một người nhân “tu dưỡng bản thân” và “cai trị người khác”. Khổng Tử đề xuất cho người Trung Quốc một lý tưởng tương tự như “Quốc gia lý tưởng” của Plato, trong đó những người nhân “tu dưỡng bản thân” và “cai trị người khác”.
Lý tưởng này theo giải thích trong quyển “Đại học” (ND: một trong 4 quyển của bộ Tứ Thư), là “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Nghiên cứu đến tận cùng nguyên lí của sự vật, thì mới có thể có được sự hiểu biết; Có được sự hiểu biết thì ý niệm mới chân thành; ý niệm chân thành thì cái tâm mới ngay ngắn. Cái tâm ngay ngắn thì mới tu chỉnh được bản thân mình. Tu chỉnh được bản thân mình rồi mới sửa sang nhà mình chỉnh tề tốt đẹp; sửa sang nhà mình chỉnh tề tốt đẹp mới bình trị được nước mình; bình trị được nước mình thì mới làm thiên hạ được thái bình). Kiến thức nằm ở việc học, mục đích của việc học là để trở thành quan. Tìm kiếm tri thức là ở học tập, học tập là học hỏi chuyện xưa, học làm người, tức là “tu thân” và “nhân từ”, sau đó người nhân có thể trị người khác. Mô hình tìm kiếm tri thức của người Trung Quốc, bắt đầu bằng việc “tìm kiếm tri thức” và kết thúc bằng “cai trị người khác”, đã được người dân kế thừa và tồn tại trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, và thậm chí cho đến ngày nay. Về điều này, ai biết chút ít về lịch sử Trung Quốc có lẽ sẽ phải thừa nhận. Tại sao các học giả Trung Quốc qua mọi thời đại đều quan tâm đến khoa cử triều đình? Mục đích tìm kiếm tri thức của họ thật đã rõ ràng! Quan niệm “nội thánh, ngoại vương” (“nội thánh” chỉ thành tựu của việc tu dưỡng đạo đức và trí tuệ bên trong, “ngoại vương” chỉ biểu hiện bên ngoài, như khả năng lãnh đạo, quản lý và mang lại lợi ích cho xã hội) của Nho giáo thực chất xuất phát từ lý tưởng của Khổng Tử về việc “tu thân” và “cai trị người khác”. Không có người tìm kiếm tri thức có tham vọng nào coi việc tìm kiếm tri thức là nhiệm vụ của mình để “làm sáng tỏ thế giới” (Phạm Trọng Yêm, nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống) hay để “xây dựng giá trị tinh thần tốt đẹp cho xã hội; lựa chọn hướng đi đúng đắn cho vận mệnh con người; kế thừa những tri thức truyền thống và tạo dựng nền tảng hoà bình cho thế hệ tương lai.” (Trương Tái, nhà Nho thời Bắc Tống). Mọi người đều hy vọng trở thầy của hoàng đế, hoặc ít nhất là một chức quan trong triều đình. Cho đến những năm gần đây, một số người đã công khai bày tỏ tham vọng này và mong muốn thúc đẩy “chủ nghĩa quyền uy mới” ở Trung Quốc. Không khó để thấy Khổng Tử và mô hình tìm kiếm tri thức Nho giáo của ông đã thấm sâu như thế nào trong lòng người Trung Quốc và được lặp đi lặp lại một cách ngoan cố như thế nào trong tập tục của người dân Trung Quốc.
Xét về mặt sáng tạo tri thức lý tính trong các lĩnh vực lý luận xã hội, chính trị, kinh tế, luật pháp, đạo đức, văn học, nghệ thuật…, người Trung Quốc đã để lại bao nhiêu di sản mà con cháu chúng ta ngày nay không thể không kế thừa và phát huy. Chúng ta phải can đảm để thừa nhận rằng là rất ít.
Về cơ bản, chúng ta có thể kết luận rằng kiến thức truyền thống của Trung Quốc yếu nhất về kiến thức lý tính, thứ hai là về kiến thức thực nghiệm hoặc kiến thức vận hành, nhưng về kiến thức trực quan thì là phong phú nhất. Những bài học mà các nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại để lại cho chúng ta và nội dung được mô tả trong kinh điển về cơ bản là kiến thức trực quan. Mặc dù khả năng vận hành của chúng rất kém nhưng bản chất lý luận (hay logic, cấu trúc khái niệm) của chúng thậm chí còn tệ hơn. Tại sao người Trung Quốc từ xưa vốn chỉ giảng lễ, giảng tình mà không giảng lý? Lý do quan trọng nhất là bản thân kiến thức truyền thống của Trung Quốc không có nhiều lý lẽ. Điều quan trọng nhất để người Trung Quốc tranh luận với người khác là trích dẫn lời của các bậc Thánh nhân nói ra chắc chắn là không sai. Loại “lý” này chính là võ đoán của các bậc Thánh nhân. Người Trung Quốc cũng có một loại “lý”, đó là lời nói của người lớn phải là đúng, người có quyền lực nói ra cũng phải là đúng. Khổng Tử từ lâu đã nói rằng quân tử có “ba nỗi sợ”, “sợ vận mệnh, sợ người lớn và sợ lời nói của Thánh nhân”. Theo trật tự này, người lớn vẫn đứng trước các vị Thánh. Có thể thấy rằng đôi khi các vị Thánh cũng phải nghe lời người lớn. Còn “vận mệnh” là gì thì không ai biết. Vì vậy, suy cho cùng, người Trung Quốc chỉ có một loại “lý” duy nhất, đó chính là “lý” được quyết định bởi sự mạnh yếu của quyền lực. Ở Trung Quốc vẫn có người hỏi: “Rốt cuộc quyền lực mạnh hơn hay luật pháp mạnh hơn?” Điều này rõ ràng là do sự nghi hoặc gây ra bởi sự va chạm của hai nền văn hóa khác nhau của Trung Quốc và phương Tây. Để trả lời câu hỏi này, người Trung Quốc truyền thống sẽ khẳng định rằng quyền lực mạnh hơn, trong khi những người có xu hướng chấp nhận văn hóa phương Tây sẽ khẳng định luật pháp mạnh hơn.
Vì sao văn hóa phương Tây lại khiến người ta khẳng định pháp luật là mạnh hơn? Đó là bởi vì kiến thức lý tính của nền văn hóa phương Tây. Trong mắt người phương Tây, quy luật khoa học là chân lý, luật pháp cũng là chân lý, và phàm thứ đã trở thành chân lý đều phải cao hơn ý kiến của một người. Ý kiến của một người, kể cả của tổng thống, đều cần phải có lý. Trong nhận thức của người phương Tây, tại sao địa vị quyền lực của tổng thống và thậm chí của quốc vương cũng không thể so sánh với địa vị của chân lý? Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi trước đó, đó là về tín ngưỡng đích thực. Trong suy nghĩ của người phương Tây, chỉ có Thượng Đế mới là hiện thân của chân lý và là thẩm phán tối cao của các điều răn và luật pháp. Sự bình đẳng của mọi người trước Thượng Đế tự nhiên phát triển thành sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Trong lịch sử Trung Cổ của phương Tây, ngay cả quyền lực hoàng gia cũng phải hạ mình trước Giáo Hoàng, điều này dễ dàng cho thấy rằng quyền lực thế tục phải tuân theo quyền lực của đức tin, hoặc quyền lực tinh thần cao hơn quyền lực thế tục. Biểu tượng của sức mạnh tinh thần hay biểu hiện của nó trong thực tế là chân lý và luật pháp mà mọi người đều đồng tình. Trong phần trước chúng ta đã chỉ ra rằng người Trung Quốc thiếu tinh thần tín ngưỡng chân chính. Ngoài ra, trong phần này đề cập đến việc người Trung Quốc thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính. Điều này có thể giải thích tại sao người Trung Quốc có quyền lực thế tục nhưng không có sức mạnh tinh thần. Người Trung Quốc có tình, có lễ, nhưng không có lý. Từ đó chúng ta có thể nhận ra rằng tinh thần tín ngưỡng chân chính và tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính là hai loại tinh thần tương hỗ lẫn nhau. Nếu không có tinh thần tín ngưỡng thì tinh thần tìm kiếm tri thức cũng sẽ cảm thấy thiếu hụt.
Trở lại câu hỏi cụ thể rằng tại sao người Trung Quốc thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính, sẽ không đủ nếu chỉ trả lời rằng là do người Trung Quốc thiếu tinh thần tín ngưỡng chân chính. Nhưng nếu tiếp tục phân tích thì không khó để nhận ra rằng cả hai vấn đề đều có nguồn gốc chung. Đó là chúng có liên quan chặt chẽ với sự phán xét của các nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại về bản chất thiện ác của con người, cho rằng bản chất con người là thiện.
Việc theo đuổi tín ngưỡng, tri thức, đạo đức, lòng trung thành và sự tha thứ ban đầu của nhân loại đều bắt nguồn từ việc theo đuổi cái tốt thiện trong trái tim con người. Tại sao lại tìm kiếm cái thiện? Đó là vì ở phương Tây tin rằng bản chất con người vốn là ác, rằng mọi người đều là ác, không thể tồn tại và phải tìm kiếm điều thiện. Nhưng ở phương Tây con người lại được chia thành hai loại. Một loại xuất phát từ truyền thống của người Do Thái cổ đại. Các nhà tiên tri người Do Thái cổ đại tin rằng điều thiện có nghĩa là tin vào Thượng Đế. Mọi người đều kính sợ Thượng Đế và tuân theo các điều răn của Ngài (ban đầu là Mười điều răn của Moses), để họ có thể tìm kiếm cái thiện. Loại còn lại xuất phát từ truyền thống của người Hy Lạp cổ đại. Các triết gia Hy Lạp cổ đại tin rằng cái thiện là việc theo đuổi tri thức. Bản chất cái ác của con người là do sự thiếu hiểu biết mà con người sinh ra đã có. Sự ngu dốt chính là gốc rễ của cái ác, vì vậy tri thức chính là cái thiện.
Ở Trung Quốc, các Thánh nhân Trung Quốc tin rằng bản chất con người vốn là thiện, Khổng Tử và Mạnh Tử là những người khởi nguồn cho rằng bản chất thiện vốn có của con người. Có người biện hộ rằng Khổng Tử không nói như vậy, mà chỉ có Mạnh Tử khẳng định như vậy, nhưng điều này là không đúng. Rõ ràng Khổng Tử đã nói: “Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ. – Ta muốn đạt điều nhân thì điều nhân sẽ đến.”, “Vi nhân do kỷ, nhi do nhân hồ tai? – Thực hiện việc nhân do tự mình, lẽ nào phải nhờ người khác?”, “Nhân” chính là cái thiện cao nhất theo quan niệm của Khổng Tử, “Hiếu nhân giả vô dĩ thượng chi – Người có nhân không đặt cái gì trên chữ nhân.” Vậy có thể nói rằng Khổng Tử không có khuynh hướng cho rằng là bản chất con người vốn là thiện không? Trong khi người phương Tây cho rằng tin vào Thượng Đế và tìm kiếm tri thức là để tìm kiếm cái thiện, họ tìm kiếm cái thiện từ bên ngoài. Khổng Tử nói: “Thực hiện việc nhân là do tự mình.” Đã là “tự mình” thì làm sao có thể có ý định nhờ người khác giúp đỡ? Rõ ràng ở điểm này, Mạnh Tử chính là chân truyền của Khổng Tử. Trong khi Tuân Tử cho rằng bản chất con người là ác, và điều này khác biệt hẳn với Khổng Tử nên địa vị và ảnh hưởng của Tuân Tử đối với văn hóa Trung Quốc kém xa Mạnh Tử.
Trên thực tế, quan điểm của Khổng Tử và Mạnh Tử cho rằng bản chất con người vốn là thiện đã tồn tại lâu dài ở Trung Quốc, và đặc biệt được kế thừa bởi Tâm học (trường phái Tân Nho giáo) và Lý học (một trường phái triết học duy lý) ở triều đại nhà Tống và nhà Minh. Liệu người ta có còn phủ nhận điều này không? “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn” (Bản tính con người khi sinh ra vốn là thiện, dù bản tính là giống nhau nhưng do ảnh hưởng của thế tục mà trở nên khác nhau.) Từ thời nhà Tống, bốn câu đầu của Tam Tự Kinh này giống như dùng kim cương khoan bốn lỗ sâu không bao giờ xóa được trong tâm trí con người, khiến người ta ghi nhớ suốt đời. Mặc dù các bậc thánh nhân Trung Quốc tin rằng bản chất con người vốn là thiện, nhưng cái ác trên thế gian không hề thay đổi dựa trên quan điểm của thánh nhân. Vì cái thiện ở trong lòng con người, còn cái ác là do con người tìm cách thỏa mãn dục vọng từ bên ngoài mà gây nên. Vì vậy, các bậc thánh nhân đương nhiên định nghĩa việc cầu điều thiện là “khắc kỷ phục lễ – kiềm chế bản thân, lập lại lễ nghĩa”, “trung thư chi đạo – con đường trung thành và tha thứ”, “hiếu đễ – hiếu thảo và kính nhường” và “lễ nhượng – nhường nhịn theo nghi lễ”. Rõ ràng, con đường cầu thiện mà Khổng Tử, Mạnh Tử ban đầu đã chọn cho người Trung Quốc rất khác với con đường cầu thiện truyền thống của người phương Tây. Nói cách khác, Khổng Tử và Mạnh Tử đã bỏ qua một cách vô thức ý nghĩa cơ bản nhất của việc cầu thiện đó là tín ngưỡng và tìm kiếm tri thức. Cùng lắm họ chỉ coi tín ngưỡng (đối với Khổng Tử đó là tế trời, đất và tổ tiên) và tìm kiếm tri thức (đối với Khổng Tử đó là tìm kiếm tri thức mang tính đạo đức, và quan trọng hơn là tìm cách khôi phục lễ nghi nhà Chu) là công cụ để thực hiện con đường “trung thành và tha thứ”, và nó là một công cụ có rất ít ý nghĩa thực sự. Điều này được khẳng định qua thái độ không bàn luận của Khổng Tử đối với mệnh trời, thần thánh và ma quỷ, cũng như việc Khổng Tử coi thường những kiến thức sản xuất cụ thể và sự thiếu hiểu biết về kiến thức lý luận. Kể từ thời nhà Hán, nhà nước đã đặt Nho giáo vào thế độc quyền tư tưởng một cách đáng sợ, và việc học các tác phẩm kinh điển của Nho giáo đã trở thành cách duy nhất để con người đạt được lợi ích thế tục. Động lực này chỉ mạnh lên chứ chưa hề suy giảm trong hơn 2.000 năm qua. Vì vậy sự phán xét về bản chất thiện của con người và “con đường cầu thiện” Khổng Tử và Mạnh Tử gần như đã trở thành điểm khởi đầu mang tính quy luật và lịch sử duy nhất cho sự phát triển của văn hóa Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử hơn 2.000 năm của Trung Quốc, quan điểm này về cơ bản là phù hợp với thực tế. Những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc người dân Trung Quốc thiếu tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính cũng như việc người dân Trung Quốc thiếu tinh thần tín ngưỡng chân chính đã thảo luận ở chương trước có liên quan chặt chẽ đến “điểm khởi đầu duy nhất” được đề cập ở đây.
Ngoài ra, tư tưởng xuất thế của Đạo giáo cũng không có lợi cho tinh thần tìm kiếm tri thức thực sự của người Trung Quốc. Đạo gia cũng nhất quán với Nho gia và Pháp gia trong chủ trương làm ngu dân. “Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi. Dân chi nan trị, dĩ kỳ trí đa” (Ngày trước, kẻ khéo hành đạo thì không cho dân sáng suốt, phải làm cho họ ngu muội. Dân có nhiều trí tuệ thì khó trị), “Thị dĩ thánh nhân chi trí, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ trí, cường kỳ cốt, thường sử dân vô tri vô dục” (Trí tuệ của thánh nhân là làm cho dân: Lòng rỗng, bụng no, chí hèn, xương cứng, làm cho dân không biết, không ham). Chỉ cần dân biết ăn, không cần dân biết suy nghĩ. Đây cơ bản là kỹ thuật cai trị quan trọng nhất của tất cả những nhà cai trị Trung Quốc trong hơn 2.000 năm qua. Kiểu cai trị này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần tìm kiếm tri thức của dân tộc Trung Quốc, khiến việc tìm kiếm tri thức chân chính biến thành truy tìm tri thức giả, tri thức chân chính bị nhấn chìm bởi tri thức giả. Các tác phẩm kinh điển của Nho giáo Trung Quốc và hầu hết các tài liệu lịch sử của Trung Quốc trong hơn 2.000 năm qua về cơ bản đều chứa đựng loại tri thức giả này.
Sự phủ nhận tri thức của Đạo giáo được củng cố bởi lý luận “Vô vi nhi vô bất vi” (không làm gì nhưng không có gì không làm). Đạo Đức kinh của Lão Tử nói rằng: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi. Vô vi nhi vô bất vi” (Theo đuổi việc học thì ngày một biết thêm; đi theo Đạo thì ngày một bớt đi. Bớt rồi lại bớt cho đến mức không làm gì. Không làm gì nhưng không có gì không làm); “Tuyệt thánh khí chí, dân lợi bách bội” (Bỏ đi thánh hiền và trí thức, dân sẽ lợi ích gấp trăm lần); “Tuyệt học vô ưu” (Không học thì không lo); “Thường đức bất ly, phục quy vu anh nhi” (Không xa rời đạo đức, con người sẽ trở lại như trẻ nhỏ). Theo quan điểm của Đạo gia, nếu người dân ngu dốt và thiếu ham muốn như những đứa trẻ thì xã hội có thể được cai trị. Về vấn đề này, những nhà cai trị Trung Quốc đều theo Nho gia, Pháp gia và Đạo gia. Thật đáng buồn là văn hóa Trung Quốc đã không có được bất kỳ tiến bộ nào trong hàng ngàn năm qua.
Tại sao các nhà cai trị chuyên quyền của Trung Quốc ở mọi triều đại lại nhất quyết thực hiện chính sách ngu dân, độc quyền mọi tư tưởng, thậm chí đàn áp tất cả những nhà tư tưởng khác thường, đồng thời tiến hành thẩm tra văn học và tội phạm tư tưởng? Liệu những học thuyết truyền thống của Nho giáo và Đạo giáo có thể là vô can? Sống lâu trong môi trường xã hội như thế này, liệu người dân Trung Quốc có thể không thiếu đi tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính hay không?
Đọc tiếp chương 14: Tại sao người Trung Quốc không thể chỉ dựa vào việc phục hưng văn hoá truyền thống để chấn hưng nền văn hoá dân tộc?