Trong quyển “Người Trung Quốc xấu xí”, ông Bá Dương đã cực kỳ xúc phạm đồng bào Trung Quốc, và bị họ chửi như tát nước vào mặt. Hôm nay tôi lại lấy “ngu dốt” ra để gây sự lần nữa thì chẳng phải là tự chuốc lấy khổ ư? Thực ra không phải là tôi thích gây sự, mà là do cổ họng tôi bị hóc xương, không khạc ra thì khó chịu. Lại do từ xưa tới nay Trung Quốc có quá nhiều văn nhân tự khoe khoang, làm cho những người Trung Quốc bình thường lâu nay cũng thường xuyên rơi vào đám sương mù dầy đặc tự cho mình là thông minh, mọi người đều trong giấc mơ người Trung Quốc “thông minh”, dường như người Trung Quốc đúng là đặc biệt có gen thông minh. Thật đáng tiếc, giấc mơ cuối cùng cũng chỉ là giấc mơ. Trên thực tế, người Trung Quốc có thực sự thông minh như thế không? Tuy nhiên, cái gì là thông minh, cái gì là ngu dốt? Tôi cho rằng, điều đó chỉ có thể kết luận từ sự so sánh với các chủng loại người khác ở cùng một thời điểm. Quan điểm của tôi là trong sự so sánh đó, chủng loại người nào có thể cung cấp cho nền văn minh của toàn nhân loại những nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà kỹ thuật lớn, nhà nghệ thuật lớn đẳng cấp thế giới, thì chủng loại người ấy là thông minh. Ngược lại là chủng loại người ngu dốt. Nói cách khác, qua so sánh, chủng loại người nào giỏi hơn về khám phá các quy luật mới (tự nhiên, xã hội, tâm lý), phát minh kĩ thuật mới (tư duy, công cụ, máy móc), sáng tạo các tri thức mới (khoa học, nghệ thuật), thì là chủng loại người thông minh. Ngược lại, chủng loại người nào không giỏi, thậm chí không thể khám phá ra quy luật mới, phát minh kĩ thuật mới, sáng tạo tri thức mới thì là chủng loại người ngu dốt. Đương nhiên, cái gọi là thông minh hay không thông minh, ngu dốt hay không ngu dốt luôn luôn nằm trong sự biến đổi. Chính vì thế, không có chủng loại người nào mà số phận định đoạt là thông minh, cũng không có chủng loại người nào mà số phận định đoạt là ngu dốt. Nhưng nếu con người cứ mãi mãi “không thay đổi” thì “sự ngu dốt” cũng có thể trở thành định mệnh. Tôi rất lo lắng rằng người Trung Quốc cứ chìm trong lịch sử truyền thống “không thay đổi” này lâu dài thì “sự ngu dốt” có thể thực sự trở thành định mệnh.
Chúng ta bây giờ muốn hỏi rằng, người Trung Quốc có thực sự thông minh không? Nếu người Trung Quốc thực sự thông minh như thế thì trong lịch sử dài dằng dặc rốt cuộc họ đã cung cấp cho nền văn minh nhân loại được bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà kĩ thuật lớn, nhà nghệ thuật lớn đẳng cấp thế giới, cống hiến được bao nhiêu khám phá lớn về quy luật, phát minh lớn về kĩ thuật và nghệ thuật, sáng tạo lớn về tri thức?
Hơn nữa, nếu người Trung Quốc thực sự thông minh thì tại sao trong hơn 100 năm gần đây, về nhân cách chính trị lại luôn luôn bị người nước khác làm nhục, về kinh tế thì bị người ta bóc lột, về văn hóa học thuật thì bị người ta kì thị? Như vậy, người Trung Quốc có vẫn còn là “thông minh” nữa không? Cái “thông minh” tự tâng bốc mình có thể biến thành thông minh thực sự được không? Rõ ràng không thông minh mà cứ tự tâng bốc mình là thông minh, điều đó nên nói là ngu dốt thực sự.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrates trong thời kì của mình được mọi người cho là người thông minh nhất. Nhưng điều ông thích được tâng bốc nhất không phải là sự thông minh của mình, mà ông bao giờ cũng tự xưng: “Tôi biết sự vô tri của mình”. Cho nên Socrates là thủy tổ của phép biện chứng của nhân loại. Ông hiểu sâu sắc đến bản chất của sự “thông minh” của con người, đó không phải là ở bản thân sự thông minh mà là ở chỗ thực sự nhận thức được sự vô tri của mình và biết cách khắc phục sự vô tri đó. Trong lịch sử Trung Quốc có bao nhiêu sĩ đại phu và văn nhân dám công khai thừa nhận sự vô tri của bản thân? Lại có bao nhiêu người đã thực sự khắc phục được sự vô tri của mình? Theo ý nghĩa này, có thể nói thực sự chính là giới sĩ đại phu và văn nhân trong các thời đại trước đã liên tục tạo ra sự ngu dốt cho người Trung Quốc. Sở dĩ hôm nay tôi phải lớn tiếng tuyên bố về sự “ngu dốt” của người Trung Quốc xưa và nay, thực ra là tôi vô cùng mong muốn người Trung Quốc trong tương lai sẽ trở thành “thông minh”.
Lịch sử mấy nghìn năm của Trung Quốc thực ra là lịch sử các sĩ đại phu và văn nhân tự khoe “thông minh”. Các sĩ đại phu và văn nhân “thông minh” trong các thời đại trước đây đã lưu lại cho người Trung Quốc ngày nay những tài liệu hàng tỷ tỷ chữ, trong đó nổi tiếng nhất có bộ Nhị thập tứ sử (Nhị thập ngũ, Nhị thập lục, Nhị thập thất), Tư trị Thông giám, Vĩnh Lạc đại điển, Tứ khố toàn thư v.v… Đáng tiếc rằng nếu dùng chiếc cân tri thức lý tính của con người hiện đại mà cân đo lượng văn bản lớn ấy thì lượng tri thức của nó nhẹ tới mức khiến người Trung Quốc phải cảm thấy đau khổ, không biết nó có đáng một phần vạn lượng tri thức ngày nay không. Có một điểm càng làm cho người ta không thể không nhớ đó là nếu ai hiện nay vẫn vùi đầu vào núi văn biển chữ ấy thì người đó vẫn sẽ được nhân bản thành một vị văn nhân tự khoe khoang “thông minh’ của Trung Quốc. Các vị văn nhân tự khoe “thông minh’ của Trung Quốc trong các thời đại trước đây chính là được nhân bản từ núi văn biển chữ ấy. Chính vì thế mà xã hội và lịch sử Trung Quốc cũng được nhân bản vô cùng giống quá khứ, thậm chí như nhau. Chỉ trong một trăm năm gần đây mới có chút thay đổi, nhưng phần cốt lõi thì vẫn khá chắc chắn – tức giới văn nhân Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa nhận thấy sự vô tri của mình, tại sao lại vô tri và khắc phục sự vô tri như thế nào. Điều này đúng là sự ngu dốt thực sự.
Sự ngu dốt của người Trung Quốc trước hết hoặc căn bản chính là sự ngu dốt của các sĩ đại phu và văn nhân Trung Quốc. Văn nhân các thời đại trước đây đã tạo ra rất nhiều tài liệu có hàm lượng tri thức cực nhỏ – Kinh, Sử, Tử, Tập. Văn nhân Trung Quốc ngày nay vẫn tiếp tục làm ra rất nhiều tài liệu loại ấy, tạo ra một lượng lớn rác rưởi văn tự trong toàn bộ nền văn minh Trung Quốc. Trước đây, Lỗ Tấn đã từng đau khổ cảnh báo thanh thiếu niên Trung Quốc cần bớt đọc, thậm chí không đọc sách do văn nhân Trung Quốc viết. Qua đây có thể thấy ông đã sớm hiểu rõ tính nghiêm trọng tồn tại trong núi rác văn tự của nền văn minh Trung Quốc. Chính là sự nhân bản lặp lại núi rác văn tự ấy đã lấp kín con đường trí tuệ của bao nhiêu thế hệ người Trung Quốc. Đầu tiên, sự ngu dốt của văn nhân Trung Quốc được tạo ra với khối lượng lớn, sau đó nó càng khuếch đại thành sự ngu dốt của người Trung Quốc. Đó là số phận sự ngu dốt của người Trung Quốc trong hơn hai nghìn năm qua, nhất là trong 500 năm gần đây, và càng đặc biệt là trong 200 năm nay.
(Phần này sẽ được trình bày thành 6 mục, mình sẽ tách ra để các bạn dễ theo dõi)
1) Vì sao người Trung Quốc là một dân tộc “vô học”?
2) Sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất yếu của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của các triều đại phong kiến thống trị.
3) Vì sao người phương Tây cận đại có thể trở nên ngày càng thông minh?
4) Nghi ngờ về sự “thông minh” của người phương Tây trong thế kỷ 21.
5) Hiện trạng ngu dốt và thông minh của người Trung Quốc.
6) Sau thế kỷ 21, người Trung Quốc nên làm sao để trở nên thông minh.
Đọc tiếp chương 29: