Người Trung Quốc rất coi trọng bề ngoài. Có chuyện gì cũng đều nói lời hay ý đẹp trước mặt, đến khi lợi ích bị xâm phạm, lời nói hay nào cũng bị lãng quên, lời nói hay không phải là lời hứa, và làm trái lại cũng tự nhiên giống như nước chảy xuôi, vì vậy mà việc không giữ tín nghĩa ở Trung Quốc xảy ra bình thường như cơm bữa, làm việc tốt không được báo đáp, thậm chí còn lấy oán báo ân cũng xảy ra bình thường. Tục ngữ nói: “Lời nói hay nói hết, thì việc xấu cũng làm xong” thực là không sai.
Người phương Tây và người Trung Quốc không giống nhau, người phương Tây có nền tảng tín ngưỡng Kitô giáo không coi trọng bề ngoài mà coi trọng khế ước, lời hay trăm quyển không bằng khế ước một trang, làm việc theo khế ước, tuân thủ theo Thánh kinh “Cựu ước” và “Tân ước”, Thánh kinh là khế ước giữa con người và Thượng đế. Không kể lợi hại ra sao, lợi nhiều hay lợi ít, cũng vui sướng không nói hai lời. Bởi vậy mới nói người phương Tây trước là tiểu nhân nhưng sau là quân tử, đến cuối cùng thì mọi người đều là quân tử, và có thể hợp tác. Người Trung Quốc trước là quân tử (thực ra là nguỵ quân tử) sau là tiểu nhân, đến cuối cùng thì hợp tác không thành, lại kết thành oán thù, tất cả là tiểu nhân. Nguyên nhân tại đâu? Người Trung Quốc nói lời giả dối đã thành thói quen, đến lúc lại chối không thừa nhận. Vì vậy ở Trung Quốc, hợp tác giữa bạn bè không bằng hợp tác giữa anh em, họ hàng. Người Trung Quốc có một câu nói, “nước màu mỡ không chảy sang ruộng người khác”, thậm chí là “đánh hổ phải là anh em ruột, ra trận phải là cha con”. Không hiểu Trung Quốc nhân tình thế thái, khó trở thành người Trung Quốc. Đã là người Trung Quốc, phải biết tại sao người Trung Quốc khó hợp tác.
Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ: “một hoà thượng gánh nước uống, hai hoà thượng khiêng nước uống, ba hoà thượng không có nước uống”, hoà thượng ở đây thực ra là kiểu người điển hình của Trung Quốc. Người Trung Quốc không có truyền thống “khế ước” của Kitô giáo, cũng không có truyền thống truy hỏi đến cùng để tìm kiếm tri thức như người Hy Lạp cổ, nhưng người Trung Quốc có truyền thống giả nhân giả nghĩa của đạo nho Khổng Mạnh. Làm theo giáo huấn của Khổng Mạnh để thành người tốt, kết cục sẽ khiến bản thân rơi vào tình trạng bi thảm, mặc người xâu xé. Di huấn của Khổng Tử đã trải qua hơn 2000 năm, thử hỏi lịch sử đã để lại cho chúng ta bao nhiêu người tốt thực sự với khắc kỷ, lễ nhượng, hiếu đễ, trung thứ?
Khổng Tử có một câu nói nổi tiếng, đối với người Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn. Câu nói đó là “quân tử không sợ ít, mà sợ không đều”. Người Trung Quốc theo “chủ nghĩa bình quân” thật không ít (Chủ nghĩa bình quân – là một xu hướng tư tưởng ủng hộ sự bình đẳng cho tất cả mọi người, học thuyết bình quân là một học thuyết chính trị cho rằng tất cả mọi người nên được đối xử bình đẳng và có các quyền chính trị, kinh tế, xã hội và dân sự như nhau). Mấy nghìn năm nay, tư tưởng “trong thánh ngoài vua” của những người tri thức Trung Quốc, và tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tề gia là kết quả của tu thân, bình thiên hạ là kết quả của trị quốc, bình thiên hạ, cân bằng giàu nghèo, đến cuối cùng không chỉ là khẩu hiệu của vua quan, mà còn là ước mơ và hy vọng của nhân dân. Mấy chữ “tề, bình, quân (đều)” này mấy nghìn năm đã trở thành máu của văn văn hoá Trung Quốc, nó chảy trong thân thể của mỗi người Trung Quốc, trong tư tưởng, ý thức, tiềm thức, nói một cách khác, mỗi người Trung Quốc đều là hoá thân của chủ nghĩa bình quân.
Tuy nhiên “bình quân” của Nho gia với “bình đẳng” của người phương Tây cận đại không giống nhau. Bình quân của Thánh nhân Trung Quốc có nghĩa là những người trị quốc ban cho những người dân nhỏ bé ân huệ, bố thí, ban phát bình quân, giống như người chăn nuôi chia thức ăn bình quân cho gà trong chuồng, bò, dê, ngựa trên đồng cỏ, nhưng không có nghĩa là người chăn nuôi với gà, bò, dê, ngựa là bình đẳng về thân phận và “nhân cách”. Bình đẳng của người phương Tây thì đúng mang ý nghĩa thứ hai: hết thảy mọi người, bất luận là vua quan quý tộc hay dân thường, mọi người đều bình đẳng trước Thượng đế, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong nhân cách, thông qua lao động mà giành được kết quả, bình đẳng trong cơ hội để đạt được hạnh phúc. Người Trung Quốc có ý thức bình quân, chứ không hề có ý thức bình đẳng. Một hoà thượng có thể đòi “bình quân” với một hoà thượng khác, chứ không thể đòi “bình quân” với đại hoà thượng trụ trì. Chẳng trách nào hai hoà thượng thì đành khiêng nước uống, ba hoà thượng thì không có nước uống. Hợp tác là phải trên cơ sở bình đẳng, như vậy người Trung Quốc có làm được không?
Tuy nhiên, trong gia đình, giữa anh em, những quan niệm của Khổng Tử như cha hiền, con hiếu, anh gần gũi, em cung kính vẫn có tác dụng tích cực, từ nhỏ nuôi dưỡng tình nghĩa, vẫn có khả năng khắc phục hoàn toàn những trở ngại của chủ nghĩa bình quân. Nhưng ngay cả như vậy, nếu cha và con bất hoà, anh em tranh cãi cũng không phải là hiếm. Không được quên rằng, ở đây vẫn còn một thứ quyền uy truyền thống còn có tác dụng đó là tình nghĩa, hơn nữa là trong gia đình. Người Trung Quốc một mặt theo chủ nghĩa bình quân, một mặt là chủ nghĩa quyền uy. Chủ nghĩa quyền uy là kết quả tất nhiên của xã hội quan lại suốt 5000 năm, người Trung Quốc mà không có chủ nghĩa quyền uy trái lại chẳng khác gì quái vật.
Hợp tác của người Trung Quốc về cơ bản chỉ có một hình thức. Đó là quan và dân, hoặc nói cách khác là hợp tác giữa chủ nhân và người hầu. Đó là hình thức hợp tác ổn định và kéo dài rất nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ. Một triều đại, chỉ cần trong nội bộ hoàng tộc không tranh giành, cha con không công kích, anh em không phá hoại lẫn nhau thì có thể duy trì ổn định hàng trăm, thậm chí mấy trăm năm. Trong lịch sử, các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh chẳng phải đều duy trì thống trị được hơn 200 năm sao? Nói rõ hơn là những người dân nhỏ bé hay người hầu của Trung Quốc, trừ khi liên quan đến sự sinh tồn, họ sẽ không tuỳ tiện phản lại vua quan và chủ nhân. Đến như trong “Thuỷ Hử Truyện” miêu tả lại các nông dân tạo phản, khẩu hiệu cơ bản cũng là “Thay trời hành đạo”, chỉ phản tham quan chứ không phản hoàng đế. Vậy những người tạo phản thay trời thực hiện “đạo” gì? Chẳng qua là lấy của người giàu chia cho người nghèo, san bằng giàu nghèo. Tống Công Minh rốt cuộc vẫn là một lương dân của hoàng đế, đến nằm mơ cũng không dám “bình đẳng” với vua.
Người Trung Quốc không thể hợp tác chỉ đơn giản là một căn bệnh truyền thống, chương trước đã nói đến người Trung Quốc là “một đống cát rời”, trên thực tế đúng là kết quả tất yếu của căn bệnh truyền thống này. Chính truyền thống này đã khiến người Trung Quốc không biết bao nhiêu lần trở thành dân mất nước, mà người Trung Quốc một chút cũng không cảm thấy. Lại nhớ cuối thời Chiến Quốc, tại sao chiến lược Hợp Tung của Tô Tần lại bị thất bại trước kế Liên Hoành của Trương Nghi?
Đó chính là tác dụng của tâm lý truyền thống của người Trung Quốc: “Xa thân gần đánh”, đó cũng chính là kết quả của ý thức “bình quân”. Gần thì chắc chắn so sánh, so sánh thì chắc chắn muốn bằng, mà không bằng thì là xấu. Xấu ở chỗ đố kị, mà có đố kị thì sẽ bị che mắt, và càng khó để có ý muốn thoả thuận, thế là bỏ gần để tìm xa, càng có lý do để “Xa thân gần đánh”. Trên thực tế, tâm lý “Xa thân gần đánh” này không chỉ bao nhiêu lần hại người Trung Quốc xưa trở thành dân mất nước, mà ngay cả những năm 30, 40 của thế kỷ 20 đối diện với quân Nhật Bản xâm lược chẳng phải cũng như vậy sao. Tôi thậm chí còn nghi ngờ rằng nếu như không vấp phải chủ nghĩa chống phát xít trên toàn thế giới, người Nhật không không cần phải kết minh với Đức mà tự nhiên trở thành kẻ thù của Mỹ, người Trung Quốc liệu có tránh khỏi một lần nữa vận mệnh là người mất nước không? Đó còn chưa kể đến nỗi nhục người Trung Quốc làm tay sai cho quân đội Nhật còn nhiều ngang với quân Nhật. Tưởng Giới Thạch chưa thành đại sự đã sớm công khai chủ trương “dẹp trong, đánh ngoài”. Đó rõ ràng loài sói lang đã vào nhà, ở đó anh em không ngừng tranh đấu ép đối phương phải chết mới thôi, chẳng lẽ đó là vấn đề phẩm chất cá nhân của Tưởng Giới Thạch? Tôi một chút cũng không hoài nghi rằng dù có đổi là Trương Giới Thạch, Vương Giới Thạch thì cũng không khác gì. Người Trung Quốc nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, tuyệt đối chỉ có thể nhìn đến bản thân mình, vì thế mới có “thà là ngọc nát còn hơn ngói lành”, phát triển thêm một bước là thái độ điên cuồng “thà biếu nước bạn còn hơn cho gia nô”. Những kẻ đại hán gian, đại bán nước trong lịch sử nói chung đều có tâm lý ấy. Đáng sợ không phải là một hai tên ác tặc, mà chính là ở sâu trong tâm hồn mỗi người Trung Quốc đã bám rễ là một dân tộc khó hợp tác. Đến hôm nay nếu chúng ta vẫn không nhổ bỏ cái rễ này, làm sao có thể nói đến hy vọng thế kỷ 21?
Đọc tiếp chương 10: Tại sao người Trung Quốc không thể khai sinh và phát triển khoa học tự nhiên hiện đại sớm nhất?