Giới tri thức Trung Quốc ngày nay chính là những người có văn hóa của Trung Quốc, đặc biệt chỉ những người thường xuyên viết lách, đăng bài trên các báo, tạp chí, phát biểu trên đài phát thanh, truyền hình, giảng dạy trên giảng đường nhà trường, hoặc thuyết trình trong các cuộc họp ở cơ quan.
Bất kể về lý thuyết có nói thế nào đi chăng nữa, thực tế là về cơ bản vận mệnh của văn hóa Trung Quốc vẫn nằm trong tay giới tri thức. Điều đó đã, đang và có thể sẽ vẫn còn đúng trong tương lai cho đến khi một số lượng lớn trí thức Trung Quốc với tinh thần mới dần dần trưởng thành và hình thành một lực lượng phản biện xã hội tương đối độc lập.
Trước đây, tác giả đã trả lời câu hỏi “tại sao giới trí thức Trung Quốc khó đảm nhận vai trò quan trọng của trí thức”. Vấn đề này về cơ bản tập trung vào thời Trung cổ ở Trung Quốc trước khi kết thúc nhà Thanh. Sau Phong trào Ngũ Tứ, Trung Quốc đã có những thay đổi. Một số ít trí thức Trung Quốc đã dám phê phán xã hội một cách táo bạo và thậm chí lên tiếng kêu gọi, gây ảnh hưởng lớn trong một khoảng thời gian. Đáng tiếc thay, lịch sử không tiến về phía trước theo đường thẳng, bóng tối của thời đại cũ thỉnh thoảng vẫn quay trở lại bao phủ đất nước Trung Hoa. Giới trí thức Trung Quốc vẫn là trí thức Trung Quốc, ánh sáng của tri thức chỉ lóe lên trong chốc lát. Họ vẫn tiếp tục hài lòng khi trở thành kẻ truyền tin, kẻ khuếch đại cho những tín ngưỡng giả dối và kiến thức giả tạo.
Chúng ta phải khẳng định rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, văn hóa Trung Quốc và các nhà văn hóa Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Kiến thức khoa học tự nhiên đã được phổ biến rộng rãi, thành tựu của phong trào văn hóa mới từ sau Phong trào Ngũ Tứ, đặc biệt là phong trào văn học chữ quốc ngữ, đã được quảng bá sâu rộng. Những tác phẩm kinh điển Nho giáo từng là sách gối đầu giường như Tứ Thư, Ngũ Kinh gần như đã biến mất trên kệ sách của các gia đình ở Trung Quốc đại lục. Trong lĩnh vực giáo dục tri thức, có thể nói rằng phái phản truyền thống đã giành được thắng lợi hoàn toàn. “Tam Cương Ngũ Thường” đã trở thành biểu tượng của “chủ nghĩa phong kiến,” và tất nhiên “hiếu” cũng nằm trong danh sách phê phán, cùng với các giá trị “trung,” “hiếu,” “tiết” bị coi là tư tưởng phong kiến mục nát. Trong các cuộc vận động chính trị, việc “đại nghĩa diệt thân” đã trở thành vũ khí để khuyến khích giới trẻ tố cáo và phê phán tư tưởng “phản động” của chính cha mẹ mình. Đồng thời, xuất thân gia đình cũng luôn là yếu tố quan trọng trong con đường tiến thân xã hội. Điều này cho thấy trong giáo dục hành chính xã hội (tức là giáo dục kinh nghiệm thực tiễn trong xã hội), chiến thắng của phái phản truyền thống vẫn còn hạn chế; ngược lại, phái bảo vệ truyền thống đã giữ vững được một vị thế đáng kể trong vấn đề này. Đáng tiếc là trong quá trình này, truyền thống “hiếu” đã sụp đổ, trong khi truyền thống phục tùng quyền lực không những không sụp đổ mà còn được củng cố mạnh mẽ hơn.
Những người trưởng thành trong nền giáo dục bằng tri thức mới vốn có điều kiện để trở thành lực lượng trí thức tiên phong của Trung Quốc. Đáng tiếc là những kinh nghiệm thu nhận được qua quá trình giáo dục hành chính xã hội lại khiến họ trở thành những giới trí thức Trung Quốc theo kiểu cũ thay vì những trí thức thực thụ.
Các phong trào chính trị, các cuộc đấu tranh phê phán trong nhiều năm qua đã không mang lại cho giới trí thức lòng dũng cảm để trở thành trí thức đúng nghĩa, mà chỉ khiến họ sợ hãi. Điều tồi tệ hơn là để bảo toàn bản thân, họ sẵn sàng trục lợi, tranh nhau trở thành những kẻ đáng khinh, sẵn sàng “té nước theo mưa,” hại người vô tội. Nhìn lại những việc làm đê hèn nhất trong lịch sử Trung Quốc, có rất ít trường hợp không liên quan đến giới trí thức.
Lịch sử thời Trung cổ của Trung Quốc đã cho thấy rõ điều này. Một chế độ chuyên chế không thể chỉ dựa vào một vị hoàng đế mà tồn tại; nếu không có tầng lớp văn nhân sĩ đại phu, quyền lực tuyệt đối của hoàng đế khó mà chống đỡ được. Có thể nói, bản thân mỗi văn nhân, mỗi sĩ phu trong xã hội Trung Quốc xưa đều là những kẻ độc tài nhỏ, những “nhà chuyên chế” không kém phần tàn bạo. Điều này hiển nhiên đến mức không cần phải chứng minh thêm.
Lịch sử Trung Quốc sau khi đế quốc Mãn Thanh sụp đổ thì ra sao? Ai là những kẻ giúp sức cho các cuộc hỗn chiến của các nhà quân phiệt? Chính là giới trí thức. ai là người lên kế hoạch khôi phục Viên Thế Khải lên ngôi hoàng đế? Cũng lại là giới trí thức. Ai là cấp dưới phụ vụ chế độ độc tài quân sự của Tưởng Giới Thạch? Vẫn là giới trí thức…
Trong mỗi phong trào trước đây, luôn là giới trí thức tấn công giới trí thức. Một số nhà trí thức đã đàn áp người khác, trong khi một số thì bị đàn áp. Điều đáng mỉa mai là, đa số những nhà trí thức từng đàn áp người khác cuối cùng cũng khó thoát khỏi số phận bị những những nhà trí thức khác đàn áp.
Thời gian đã qua đi, người chết thì yên nghỉ, nhưng người sống cần phải suy ngẫm. Nếu ngày ấy bạn không dễ dàng hùa theo, không làm chứng dối trái với lương tâm, không vì sợ hãi mà giơ tay ủng hộ, không vô cảm giẫm đạp lên người vô tội… mà ngược lại, nếu bạn dám đứng ra biện hộ cho một người vô tội như Zola, dám tranh đấu vì quyền tự do ngôn luận của người mà bạn không đồng tình như Voltaire, dám chiến đấu cho quyền con người cơ bản của nô lệ như Lincoln… Nếu có một ngày, giới trí thức Trung Quốc đều hành động như thế, đất nước này sẽ như thế nào?
Liệu sẽ còn xảy ra những vụ như sự kiện Hồ Phong không? Liệu còn ai bị oan ức và gắn mác “cánh hữu” mất hết quyền cơ bản của con người không? Liệu còn vụ án oan của Nguyên soái Bành Đức Hoài không? Và liệu còn chuyện phi lý đến mức một Chủ tịch nước mà cũng không được bảo vệ bởi bất kỳ luật pháp nào không?
Lật giở từng trang sử Trung Hoa, trong đó những hành vi đê hèn, miệng nói lời hay nhưng lại làm toàn việc xấu, phần lớn đều do những người có học vấn, tức là giới trí thức Trung Quốc thực hiện. Câu nói này có thể sẽ khiến một số trí thức phẫn nộ: “Tại sao không nói rằng cũng có rất nhiều điều tốt do giới trí thức làm ra?” Cứ cho là như vậy. Lịch sử Trung Quốc về cơ bản là biên niên sử của các đế vương, tướng quân, là những ghi chép chân thực về những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực, hãm hại lẫn nhau, thủ đoạn lừa lọc và âm mưu thâm độc giữa họ. Vậy trong đó có bao nhiêu việc tốt? Bao nhiêu việc xấu? Những ai kiên nhẫn phẫn nộ có thể tự đếm thử, nếu lấy màu trắng làm đại diện cho điều tốt, màu đen làm đại diện cho điều xấu, thì tôi nghĩ lịch sử này chẳng khác gì một hố đen khổng lồ.
Đối diện với lịch sử, giới trí thức Trung Quốc cần phải tự kiểm điểm sâu sắc, đặc biệt là những trí thức làm quan, những người suốt ngày múa bút khua chữ, thường xuyên viết bài, phát biểu. Họ càng cần phải tự phản tỉnh hơn bao giờ hết.
Nếu như trong quá khứ, quyền lực là yếu tố lớn nhất khiến linh hồn của các trí thức Trung Quốc trở nên đê hèn, thì vào thời kỳ chuyển giao thế kỷ 21, sẽ xuất hiện thêm một yếu tố khác: đó là tiền bạc. Trước đây, tiền bạc thường đi đôi với quyền lực, nhưng trong tương lai, sức mạnh của tiền bạc sẽ dần độc lập khỏi quyền lực. Điều này là một bước tiến vượt bậc cho người Trung Quốc. Dưới tác động của sức mạnh tiền bạc độc lập, quyền lực xã hội của người Trung Quốc sẽ dần chuyển hướng sang quyền lợi của công dân, và quy trình dân chủ hóa xã hội sẽ ngày càng phát triển. Nếu đây là quy luật tất yếu của tiến bộ xã hội, thì không thể chối cãi được. Tuy nhiên, khi thời đại càng tiến lên phía trước, nhu cầu của xã hội đối với tầng lớp tri thức càng trở nên cấp thiết, bởi quyền lực và tiền bạc có thể gây nên những cám dỗ kép, rất có thể dẫn đến những đau khổ kép. Kinh nghiệm của phương Tây đã sớm báo hiệu rằng, sự giàu có của xã hội không đồng nghĩa với việc tăng chỉ số hạnh phúc trung bình của con người, và tiền bạc cũng không hẳn là hạnh phúc. Nếu điều này là sự thật hiển nhiên với người phương Tây – những người có truyền thống tinh thần tín ngưỡng và tìm kiếm tri thức – thì đối với người Trung Quốc, vốn thiếu đi truyền thống tín ngưỡng và tinh thần tìm kiếm tri thức, điều đó có ý nghĩa như thế nào? Nếu thêm vào đó, người Trung Quốc lại bỏ đi truyền thống duy nhất còn lại là lòng hiếu thảo và tình nghĩa, thì cuối cùng họ sẽ dựa vào đâu để có dũng khí tinh thần mà sống tiếp? Có nhiều thông tin cho thấy, hiện nay ở Trung Quốc, dù là ở nông thôn hay thành thị, số lượng người theo đạo Thiên Chúa và Phật giáo ngày càng tăng. Điều này cho thấy người Trung Quốc đang khao khát sự bình an trong tâm hồn, và khao khát một thứ tình yêu vượt qua những toan tính thế tục. Sự tàn ác của bản tính tự nhiên và sự vô tình của bản chất xã hội khiến con người phải tìm kiếm một chút ánh sáng và sự ấm áp từ tinh thần nhân loại. Nhưng ánh sáng của tinh thần nhân loại không nên là ánh sáng bị động, mà phải là ánh sáng chủ động. Tổ tiên của nhân loại đã tạo ra cho chúng ta ba giá trị cốt lõi: tinh thần tín ngưỡng, tinh thần tìm hiểu tri thức và tinh thần yêu thương. Trách nhiệm của tầng lớp tri thức là phải luôn nêu cao ba ngọn đèn soi sáng này, để dẫn dắt con người kiểm soát cái ác trong bản chất tự nhiên, giải tỏa những ham muốn nguyên thủy, và không ngừng cải thiện, thúc đẩy ba yếu tố cơ bản của xã hội: quyền lực, tiền bạc và tri thức, giúp chúng vận hành và phát triển. Từ đó, nâng cao điều kiện sống và phúc lợi chung của nhân loại.
Giới trí thức Trung Quốc nên can đảm tự hỏi mình, liệu mình là nô lệ của quyền lực và tiền bạc, hay là người dũng cảm nhìn thẳng vào hai con thú dữ đó, cầm trong tay roi điện của tri thức chân chính để thuần phục chúng?
Lịch sử chứng minh rằng giới trí thức Trung Quốc trong quá khứ đều là nô lệ của quyền lực. Dưới áp lực và cám dỗ của quyền lực, họ thiếu hẳn dũng khí dùng chân lý để cải tạo xã hội, mà trái lại, họ sẵn sàng để những lời dối trá và giả tạo cải tạo chính mình. Từ lâu đã có những câu như ” văn nhân không có đức hạnh,” ” văn nhân coi thường nhau,” và cả những cách gọi như “tám kỹ nữ, chín Nho gia, mười ăn mày.” Đặt văn nhân Nho gia giữa kỹ nữ và ăn mày cho thấy người Trung Quốc (bao gồm cả chính văn nhân Nho giáo) coi thường phẩm cách của họ đến mức nào. Văn nhân vừa là “kỹ văn” vừa là “ăn mày văn,” và vận mệnh văn hóa Trung Hoa lại nằm trong tay những người như vậy. Văn hóa Trung Hoa có thể có bao nhiêu ánh sáng? Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng lịch sử từng xuất hiện những nhân vật thật sự tỏa sáng tinh thần, nhưng phần lớn là ở hai đầu của thời trung cổ. Một là thời kỳ trước trung cổ, đặc biệt là thời Tiên Tần với Khổng Tử vĩ đại; một là thời kỳ sau trung cổ, vào khoảng thời kỳ “Ngũ Tứ,” khi một loạt nhân vật xuất chúng xuất hiện như Tôn Trung Sơn, Thái Nguyên Bồi, Hồ Thích, Lỗ Tấn, v.v., trở thành những người tiên phong cho giới trí thức mới của dân tộc Trung Hoa. Trong thời trung cổ, những người có ánh sáng tinh thần chỉ có vài nhà thơ và vài người phẫn nộ với thời thế: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Trĩ, Ngô Kính Tử, Bồ Tùng Linh, Tào Tuyết Cần, và một số ít khác. “Làm sao ta có thể cúi đầu gập gối nịnh bợ quyền quý, khiến ta chẳng thể giữ được niềm vui trong lòng?” Câu thơ thể hiện sự đau đớn của Lý Bạch, nhưng cuối cùng ông không thoát khỏi thời đại quyền lực bắt ông phải “cúi đầu nịnh quyền quý.” Nỗi đau của ông cũng là nỗi đau dày vò chung của mọi trí thức Trung Quốc có lương tâm trong suốt hơn 2000 năm. Tiếng kêu đau đớn tuy có thể gây cộng hưởng mạnh mẽ trong lòng người, nhưng đối với sự chuyên quyền của thời trung cổ, chỉ như hơi nóng thoáng qua trước núi băng khổng lồ, và người run rẩy vẫn là con người. Về việc kết thúc thời trung cổ của người Trung Quốc, chúng ta phải cảm ơn cuộc xâm lược của người phương Tây, và giới trí thức Trung Quốc cũng phải cảm ơn tinh thần văn hóa phương Tây đã đánh thức tâm hồn khổ đau của họ. Nếu không phải người phương Tây mang đến cho giới trí thức Trung Quốc tinh thần tín ngưỡng và tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính, thì có lẽ họ sẽ mãi không biết đến những gì gọi là tinh thần chân chính của “chân” (tín ngưỡng), và tinh thần “thiện” (khoa học và tri thức dân chủ). Đây không phải là phóng đại, mà là sự thật lịch sử không thể phủ nhận.
Trong thời đại kinh tế đang phát triển mạnh mẽ ngày nay, một số trí thức vì muốn kiếm được lợi ích từ tiền bạc, đã chạy theo xu thế xã hội, không ngừng tâng bốc những điều sai trái. Họ ca ngợi vết sưng tấy như là sự tươi mới tinh thần, miêu tả vết loét như là những đóa hoa nở rộ, tán dương sự ngỗ ngược đối với cha mẹ như là tiến bộ thời đại, và coi chuyện quan hệ tình dục bừa bãi như là tự do tư tưởng… Trong quá khứ, họ là những kẻ phục tùng tư tưởng chuyên chế, những người tiếp nhận giáo điều của Khổng Mạnh, hôm nay lại trở thành những kẻ chạy theo những mốt phương Tây, chủ nghĩa hưởng lạc. Trong đầu óc của giới tri thức Trung Quốc bị ám ảnh bởi “quyền”, nay lại thêm “tiền”, nhưng họ hoàn toàn thiếu đi lòng tự trọng cá nhân và tinh thần cốt lõi của loài người.
Trước đó, chúng ta đã chỉ ra rằng số phận của văn hóa Trung Quốc chủ yếu gánh trên vai của giới trí thức Trung Quốc. Nếu các trí thức Trung Quốc hoàn toàn mất đi tinh thần cốt lõi của con người, thì văn hóa Trung Quốc cũng sẽ mất đi tinh thần ấy. Ba tinh thần cốt lõi đó là tinh thần tín ngưỡng, tinh thần cầu tri thức và tinh thần nhân ái, trong đó tinh thần nhân ái được sáng tạo bởi các thánh nhân cổ đại Trung Quốc, và đã được cụ thể hóa trong tinh thần hiếu thảo. Tinh thần hiếu thảo là sự trân trọng duy nhất của dân tộc Trung Hoa trong suốt hơn 2000 năm qua. Ngày nay, chúng ta cần học hỏi tinh thần tín ngưỡng và tinh thần cầu tri thức của người phương Tây, nhưng cũng cần duy trì tinh thần hiếu thảo do tổ tiên truyền lại. Và để làm được điều này, phần lớn phải dựa vào nỗ lực của các tri thức Trung Quốc. Họ nên cố gắng thay đổi nhân cách thấp kém truyền thống của mình và dũng cảm trở thành những trí thức mới, tràn đầy sức sống tinh thần. Họ không chỉ cần có ý chí hướng thiện, mà còn cần có dũng khí chống lại cái ác, điều này chính là điều mà dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 cần nhất.
Đọc tiếp chương 24: Tại sao người Trung Quốc nói “lễ” mà không nói “lý”?