Người Mỹ nói “Thế kỷ 21 là thế kỷ của người Mỹ”; người châu Âu nói “Thế kỷ 21 là thế kỷ của người châu Âu”; một số người nói rằng “Thế kỷ 21 là thế kỷ phục hưng của văn hóa Hồi giáo”; một số người Trung Quốc cũng nói rằng “Thế kỷ 21 là thế kỷ của người Đông Á”… Nếu chỉ xem đây là sự thể hiện của những mong muốn cảm tính, thì tất cả mọi người đều coi thế kỷ mới là một thời kỳ tốt để dân tộc, quốc gia, tôn giáo và nền văn hóa của họ sẽ có cơ hội phục hưng, điều này không có gì đáng trách. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc nói “Thế kỷ 21 là thế kỷ của ai” rõ ràng là khác nhau. Một số người đề cập đến việc tiếp tục duy vị trí bá quyền về quân sự và chính trị, như Mỹ, và có thể là cả châu Âu; có người lại nói đây là thế kỷ để một nền văn hóa nào đó có sự phục hưng lớn, như văn hóa Hồi giáo và văn hóa Đông Á, bao gồm các lĩnh vực như kinh tế, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, v.v. Tôi chủ yếu đồng ý với quan điểm thứ hai. Nếu xét từ góc độ bá quyền thực sự, có lẽ thế kỷ 21 không thuộc về bất kỳ ai, hoặc có thể nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của toàn nhân loại. Nhưng nếu xét từ góc độ phục hưng văn hóa, tức là từ những lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, văn học, xã hội và quản lý xã hội, tôi cho rằng thế kỷ 21 có thể nói là thế kỷ của sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc (hoặc rộng hơn là văn hóa Đông Á). Nói điều này có thể sẽ khiến người ta khó tin, nhưng sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc gắn liền với sự suy yếu của văn hóa phương Tây. Dĩ nhiên, sự trỗi dậy và suy yếu đều là những xu hướng động tương đối. Giống như mực nước cao và thấp, khi mực nước cao giảm xuống, mực nước thấp sẽ dâng lên. Mặc dù so sánh sức mạnh tuyệt đối hiện nay vẫn nghiêng về văn hóa phương Tây, nhưng khi thế kỷ 21 mở ra, sự ưu thế của văn hóa phương Tây sẽ nhanh chóng giảm đi. Ước tính thời điểm hai bên ngang bằng sẽ xảy ra vào giữa thế kỷ 21 có lẽ là sớm. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 21, sự ngang bằng như vậy là không thể tránh khỏi, thậm chí văn hóa Trung Quốc sẽ vượt qua phương Tây một chút.
Những nhận định trên không phải là lời nói tùy tiện. Mặc dù tôi không phải là nhà tiên tri tôn giáo, lại càng không phải là một võ sư khí công tự xưng có trí tuệ siêu việt và thiên nhãn thông, tôi cũng không phải là một nhà phân tích chiến lược có thể sử dụng số lượng lớn số liệu thống kê để giải thích mọi xu hướng xã hội. Tôi thiếu khả năng và điều kiện để suy luận về xu thế chung từ việc phân tích từng con sóng nhỏ. Tuy nhiên, tôi tin vào sự thấu hiểu lịch sử, bản tính con người và tinh thần nhân loại. Hơn nữa, tôi càng tin rằng sự thấu hiểu này vượt xa bất kỳ số liệu thống kê bề mặt nào có thể đạt được. Số liệu thống kê có thể minh họa tư tưởng, nhưng bản thân nó không phải là tư tưởng, càng không phải là tư tưởng mang tính thấu triệt. Đặc biệt, đối với vận mệnh của một dân tộc, một nền văn hóa, thì chỉ có thể dựa vào sự thấu hiểu lịch sử nhân loại, bản tính con người và tinh thần nhân loại.
Nhà sử học người Anh, Toynbee là một người có cái nhìn sâu sắc hiếm có về lịch sử và vận mệnh của nhân loại. Khi đề cập đến “Sự thống nhất của thế giới là con đường tránh khỏi sự tự hủy diệt của nhân loại”, ông nói: “Về điểm này, trong các dân tộc hiện nay, dân tộc Trung Hoa là dân tộc có sự chuẩn bị đầy đủ nhất, bởi trong 2000 năm qua, họ đã hun đúc nên một phương thức tư duy độc đáo.” Ông cũng nói: “Sự thống nhất hòa bình mà tôi dự đoán chắc chắn sẽ lấy trục địa lý và văn hóa làm trung tâm, từ đó không ngừng kết tinh và mở rộng. Tôi linh cảm rằng trục này không nằm ở Mỹ, châu Âu hay Liên Xô, mà ở Đông Á.” Trái lại, Ikeda Daisaku, một người Nhật Bản, lại không thực sự nhận thức được sự thấu triệt mang tính trực giác về lịch sử của Toynbee. Ông ta chỉ nhìn thấy “chế độ chuyên quyền” kéo dài của Trung Quốc mà không thấy được những khía cạnh khác, vì vậy ông ngược lại cho rằng “Cộng đồng châu Âu” mới là “hình mẫu” của nhân loại trong tương lai.
Toynbee nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng yếu tố tinh thần quan trọng hơn yếu tố vật chất”. Toynbee thực sự là một nhà tư tưởng vĩ đại với cảm hứng lịch sử và trực giác nhạy bén. Ông chỉ ra sứ mệnh lịch sử tương lai của văn hóa Trung Quốc hoặc văn hóa Đông Á, nhưng không đưa ra lời giải thích có thể thuyết phục hoàn toàn công chúng. Tôi sẽ cố gắng thực hiện việc này. Ngoài cuốn sách “Hỏi về bản chất con người” đã xuất bản, tôi sẽ tiếp tục viết hai cuốn sách “Hỏi về lịch sử” và “Hỏi về vận mệnh” để phân tích các chủ đề liên quan đến khía cạnh này.
Dưới đây, tôi sẽ giải đáp vấn đề này từ ba khía cạnh. Thứ nhất là tính tất yếu của logic lịch sử, thứ hai là tính tất yếu của thời cuộc và thứ ba là tính khả thi trong thực tế.
Tính tất yếu của logic lịch sử
Trong tất cả các nền văn hoá nhân loại hiện còn tồn tại trên thế giới ngày nay, nền văn hoá duy nhất có thể sánh ngang và bổ sung cho văn hóa phương Tây chỉ có văn hóa Trung Quốc. Nói cách khác, nếu văn hóa phương Tây mang tính dương, thì văn hóa Trung Quốc mang tính âm; nếu văn hóa phương Tây mang tính âm, thì văn hóa Trung Quốc lại mang tính dương. Tóm lại, nếu phải tìm ra hai nền văn hóa có sự khác biệt lớn nhất nhưng đồng thời cũng có tính bổ sung cao nhất trong tất cả các nền văn hóa nhân loại, thì đó chắc chắn không gì khác ngoài văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây.
Tôi cho rằng thế giới ngày nay chủ yếu tồn tại sáu khu vực văn hóa lớn, bao gồm: văn hóa phương Tây, văn hóa Chính Thống giáo Đông Âu, văn hóa Hồi giáo, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Nam Mỹ và văn hóa Trung Quốc.
Theo lý thuyết của tôi về tinh thần nguyên thuỷ của nhân loại, nền văn hóa nhân loại có thể chia thành ba loại lớn: Nền văn hóa có truyền thống lịch sử với tinh thần tín ngưỡng mạnh mẽ gọi là văn hóa đỏ. Nền văn hóa có truyền thống lịch sử với tinh thần tìm kiếm tri thức mạnh mẽ gọi là văn hóa xanh. Nền văn hóa có truyền thống lịch sử với tinh thần nhân ái mạnh mẽ gọi là văn hóa vàng.
Xét một cách chính xác thì không có khu vực nào trong sáu nền văn hóa lớn hiện nay có được hoàn toàn các màu sắc cơ bản. Nhưng xét một cách tương đối, văn hóa Trung Quốc có thành phần đậm nhất là văn hoá vàng có pha chút xanh.
Tiếp theo là văn hóa Hồi giáo và văn hóa Ấn Độ, vốn có bản chất văn hóa đỏ, nhưng cũng có pha trộn ít nhiều yếu tố của văn hóa xanh.
Sau đó là văn hóa Nam Mỹ và văn hóa Chính Thống giáo Đông Âu, vốn cũng thuộc văn hóa đỏ, nhưng do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa phương Tây (hoặc có thể nói rằng văn hóa Chính Thống giáo vốn dĩ cũng thuộc văn hóa phương Tây), nên mang đậm sắc thái của văn hóa xanh.
Văn hóa phương Tây là nền văn hóa mang đậm hai màu sắc cơ bản, vừa có màu đỏ vừa có màu xanh.
Khi so sánh sáu nền văn hóa, chúng ta có thể thấy rằng chỉ có Trung Quốc có màu chủ đạo là màu vàng, trong khi văn hóa phương Tây là nền văn hoá mang đầy đủ hai màu chủ đạo còn lại. Từ đây không khó để hiểu tại sao văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây lại có tính tương xứng cao nhất và tính bổ trợ lớn nhất. Bởi vì sự hoàn hảo của ba màu cơ bản, hay ba tinh thần cơ bản, là điều mà mọi nền văn hóa và mọi con người cuối cùng cần theo đuổi, nên sự hội nhập hoàn toàn của văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây trong thế kỷ mới là xu hướng lớn nhất trong phong trào giao lưu văn hóa của nhân loại. Sự thống nhất toàn nhân loại mà nhà sử học Toynbee linh cảm về dân tộc Trung Hoa không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sử dụng chế độ chuyên quyền hay vũ lực để thực hiện sự thống nhất này. Điều đó vĩnh viễn là không thể, văn hoá Trung Quốc tuyệt đối không thể đứng trên toàn thế giới với tư cách là bá chủ của thế kỷ 21. Toynbee đã nói rất rõ ràng rằng sự thống nhất này phải được thực hiện theo cách “lấy trục địa lý và văn hóa làm trung tâm, dần dần kết tinh và mở rộng”. Hiện nay, điều mà thế giới thiếu nhất chính là tinh thần nhân ái trong truyền thống văn hóa Trung Hoa, trong đó đặc biệt bao gồm lòng hiếu thảo của mỗi người đối với cha mẹ và anh chị em. Khi nhìn lại lịch sử hơn 2000 năm qua, chính tinh thần hiếu đễ của người Trung Quốc đã duy trì một thế giới đại nhất thống tương đối hòa bình và ổn định trong thời gian dài. Ai có thể phủ nhận điều này? Dù người Trung Quốc cũng đã phải trả giá đắt khi chịu đựng hơn 2000 năm chuyên chế hà khắc, nhưng điều đó không thể che mờ ánh sáng vĩ đại của tinh thần nhân ái và hiếu đễ. Hơn nữa, chính tinh thần này đã để lại một kết tinh văn hóa vĩ đại trong dòng chảy lịch sử hơn 2000 năm (thậm chí 5000 năm) của Trung Quốc – đó chính là chữ Hán. Chữ Hán là sự lựa chọn tốt nhất để viết nên sự vĩnh hằng, hòa bình và thống nhất. Điểm này đã được chứng minh đầy đủ ở phần trước của cuốn sách này.
Xu thế không thể nghi ngờ rằng văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây trong thế kỷ 21 chắc chắn sẽ tiến tới sự hòa hợp hoàn toàn. Một khi văn hóa Trung Quốc mở cửa toàn diện để tiếp thu tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính và tinh thần tín ngưỡng chân chính từ văn hóa phương Tây, đặc biệt là tinh thần tìm kiếm tri thức chân chính, thì văn hóa Trung Quốc sẽ nhanh chóng vươn lên giống như một “tên lửa được gắn thêm bộ đẩy”. Do đó, sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ trở thành một thực tế không thể nghi ngờ. Ngược lại, sự suy giảm của văn hóa phương Tây trong thế kỷ mới cũng sẽ là một thực tế không thể nghi ngờ. Về điểm này, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết trong chương tiếp theo. Trong số những người phương Tây, ít người thực sự nhận thức được tính bổ trợ của văn hóa Trung Quốc đối với họ giống như Toynbee, có thể nói là hiếm như lông phượng sừng lân. Phần lớn người phương Tây vẫn chìm đắm trong sự tự phụ gần như vĩnh cửu của lịch sử văn hóa nhân loại lấy phương Tây làm trung tâm, thậm chí ngay cả phần lớn các nhà tư tưởng và học giả của họ cũng vậy. Việc để người phương Tây nhận thức ra vấn đề này chắc chắn cần một quá trình không ngắn. Chỉ có đau khổ mới thực sự thúc đẩy con người tư duy, nhưng trớ trêu thay, những người đau khổ ở phương Tây không phải là các nhà tư tưởng, mà là phần lớn tầng lớp lao động chân tay thất nghiệp. Tuy nhiên, sự cô đơn dường như là phổ biến.
Nhân tiện nói thêm, một điều đáng lo ngại là tốc độ từ bỏ tinh thần hiếu thảo và tình anh em của người Trung Quốc hiện nay còn nhanh hơn tốc độ tiếp thu tinh thần tìm kiếm tri thức. Điều này dường như lại làm dấy lên một mối nghi ngờ rằng liệu sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc có phải là cái giá phải trả cho việc từ bỏ tinh thần hiếu đễ truyền thống hay không? Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì văn hóa Trung Quốc không những không thể bắt kịp văn hóa phương Tây, mà thậm chí còn có thể biến Trung Quốc thành một địa ngục trần gian thực sự, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn cả thời Trung cổ của Trung Quốc. Ít nhất trong thời Trung cổ, sự ấm áp của gia đình, tình cảm thật sự giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em vẫn còn có thể mang lại cho con người một chút động lực để tiếp tục sống. Chúng ta cần nhớ rằng, người Trung Quốc thiếu tinh thần tín ngưỡng truyền thống, và một khi con người vừa không có tín ngưỡng, vừa không còn tình thân, thì khi họ chỉ còn lại sự cạnh tranh vì tiền bạc trên thương trường, họ sẽ tự biến mình thành một loài động vật hình người chỉ còn lại bản năng nguyên thủy và sự ác độc nguyên sơ.
Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự sai lệch trong văn hóa của mình trong vài thập kỷ gần đây. Tác giả hy vọng mỗi người Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi hiện nay, nhận thức được điều này. Tinh thần hiếu thảo truyền thống của người Trung Quốc không thể bị bỏ quên! Như một tiếng chuông cảnh báo, để nhắc nhở người Trung Quốc rằng tỷ lệ tự sát của người già ở Đông Á đứng đầu thế giới, và Đài Loan của Trung Quốc thậm chí còn đứng ở điểm cao nhất. Còn Trung Quốc đại lục thì sao? Những bậc cha mẹ già yếu, cô đơn đang trải qua một tuổi già đầy khó khăn như thế nào? Người Trung Quốc, hãy mở to mắt nhìn lại chính mình, bạn cũng sẽ già đi! Đứng trước một bức tranh đầy mỉa mai như vậy, người Trung Quốc nên cảm thấy xấu hổ! Sự khác biệt cực kỳ giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây từ lịch sử cho thấy chúng phát triển độc lập gần như hoàn toàn, tách biệt nhau. Con đường tơ lụa dài lâu đã kết nối Đông và Tây, bốn phát minh lớn của Trung Quốc đã được truyền qua người dân Tây Á đến phương Tây, mang lại cho người phương Tây những nguồn tài nguyên văn hóa cần thiết để thoát khỏi bóng tối Trung Cổ. Phương Tây cởi mở đã được hưởng lợi từ các nền văn hóa có nhiều màu sắc cơ bản khác nhau ngay từ đầu, điều này giúp nền văn hóa của họ trở thành nền văn hóa có hai màu sắc cơ bản độc đáo trên thế giới. Tính nhị nguyên trong văn hóa phương Tây không đơn thuần chỉ bắt đầu từ triết lý của Descartes (1596-1650) như một số nhà sử học triết học vẫn tin. Ít nhất là ngay sau khi Đế quốc La Mã phương Tây sụp đổ (năm 476 sau Công Nguyên), thói quen tư duy phân tách quyền lực tinh thần và quyền lực thế tục đã được hình thành. Điều này có nghĩa là tính nhị nguyên trong văn hóa phương Tây đã hình thành ngay từ đầu thời kỳ Trung Cổ, chứ không phải ở cuối thời kỳ này. Tính nhị nguyên của văn hóa phương Tây thể hiện sự ưu việt của nó so với các nền văn hóa khác. Mặc dù sự ưu việt này ở thời Trung Cổ vẫn còn tiềm ẩn, nhưng ít nhất nó cũng đã tạo ra một chế độ xã hội quan trọng trong đó nhà thờ và nhà nước tách biệt và quyền lực của hai bên là bình đẳng. Điều này không tồn tại trong năm nền văn hóa khác như văn hóa Chính Thống giáo, văn hóa Hồi giáo, văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Quốc, bởi chúng hoặc là quyền lực tôn giáo và thế tục gộp lại, như văn hóa Hồi giáo, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Quốc, hoặc thần quyền phải phục tùng quyền lực thế tục như trong văn hóa Chính Thống giáo. Tính nhị nguyên của văn hóa phương Tây đã chuẩn bị nền tảng ý thức xã hội cần thiết mà các nền văn hóa khác không có để sau này họ phát triển tinh thần dân chủ hiện đại và tinh thần khoa học.
Văn hóa khép kín của Trung Quốc trái ngược với văn hóa cởi mở của phương Tây, rất ít nhận được sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác, mặc dù Phật giáo từ Ấn Độ đã được truyền vào Trung Quốc từ thời Hán, nhưng tinh thần của Phật giáo không phải là một tinh thần tín ngưỡng, mà giống như một tinh thần cầu tìm tri thức, và việc tìm kiếm tri thức của Phật giáo là tìm kiếm tri thức bên trong, khác biệt với tinh thần tìm kiếm tri thức từ bên ngoài của người Hy Lạp cổ đại. Do đó, Phật giáo không mang tinh thần của màu sắc cơ bản. Đức Phật Thích Ca không thể so sánh với các nhà tiên tri Do Thái cổ đại, các triết gia Hy Lạp cổ đại và nhà hiền triết Trung Quốc Khổng Tử về mặt sáng tạo ra siêu tinh thần của nhân loại. Tính chất khép kín của văn hóa Trung Hoa cũng là độc nhất vô nhị trên thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu gây ra sự khép kín của văn hóa Trung Quốc không phải chủ yếu là do bản thân văn hóa, mà thực tế là nguyên nhân địa lý. Điều này rất rõ ràng nếu chúng ta nhìn vào thực tế là văn hóa Trung Quốc thực sự đã chiếm lĩnh không gian địa lý lớn nhất có thể. Tính khép kín văn hóa và sự mục nát, bảo thủ của chế độ chuyên quyền là một quá trình phát triển song song. Vì vậy, tính khép kín của văn hóa Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm vào thời Minh, Thanh, đặc biệt là cuối triều đại Thanh. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân địa lý hay chế độ chuyên quyền, thì việc văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa khép kín nhất trong các nền văn hóa chính trên thế giới là điều không thể phủ nhận. Sự khép kín văn hóa này đã giúp Trung Quốc duy trì được đặc điểm màu sắc cơ bản duy nhất của mình trong một thời gian dài, và chính xác là dựa vào màu sắc văn hoá cơ bản duy nhất này mà Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thiết lập nên một quốc gia dân tộc với chế độ toàn trị thống nhất. Quốc gia này (từ thời Tần Thủy Hoàng) đã ra đời sớm hơn quốc gia dân tộc phương Tây gần 2000 năm. Điểm khác biệt là quốc gia dân tộc Trung Quốc là một xã hội quan trường phong kiến, trong khi quốc gia dân tộc phương Tây là xã hội định hướng thị trường, nhanh chóng chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Đến cuối thế kỷ 20, xã hội quan trường của Trung Quốc và xã hội thị trường của Mỹ vẫn là hai hình thái xã hội đối lập nhất.
Sự hội nhập bổ sung giữa văn hóa Trung Hoa và phương Tây trong thế kỷ 21 là một sự hồi sinh to lớn cho văn hóa Trung Hoa, nhưng lại là sự hội nhập tương đối trì trệ theo chu kỳ đối với văn hóa phương Tây. Văn hóa Trung Quốc hưởng lợi lớn nhất trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế và quản lý xã hội, trong khi văn hóa phương Tây lại hưởng lợi rất nhiều từ nghệ thuật, tình cảm và các giá trị tinh thần. Sẽ không có “kẻ thua cuộc lớn” trong giao dịch văn hóa của nhân loại trong thế kỷ 21.
Tính tất yếu của thời cuộc
Trước khi nền văn hóa Trung Quốc và nền văn hóa phương Tây hoàn toàn hòa nhập và bổ sung cho nhau trong thế kỷ 21, thì thực tế ở các vùng văn hóa Đông Á nhận ảnh hưởng lớn văn hóa Trung Quốc đã có những sự kết hợp bổ sung từng phần và hiệu quả với văn hóa phương Tây từ lâu. Ví dụ rõ ràng nhất là Nhật Bản, tiếp theo là các “con rồng châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore). Trong mắt những người viết sử hiện đại, có một mô hình văn hóa chung của nhân loại, với phương Tây là nền văn hóa tiên tiến, giàu có và dân chủ, còn phương Đông lại là nền văn hóa lạc hậu, nghèo đói và độc tài. Kể từ giữa thế kỷ 19, khi các cường quốc phương Tây đã sử dụng sức mạnh quân sự, thương mại, thực dân và truyền giáo để phá vỡ tình trạng cách biệt giữa văn hóa Đông Tây kéo dài hàng nghìn năm. Cho đến ngày nay, mô hình văn hóa chung này đã tồn tại trong nhận thức của nhân loại hơn một thế kỷ rưỡi. Và rõ ràng, mô hình này vẫn sẽ tiếp tục duy trì cho đến thế kỷ 21 mới. Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ trước khi bước vào thế kỷ 21, một loạt những biến đổi xã hội và văn hóa đã xuất hiện ở một số quốc gia và khu vực trong khu vực ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc ở phương Đông, cũng như gần đây tại chính Trung Quốc, những biến đổi này không thể không khiến con người phải suy ngẫm về khả năng hình thành một mô hình tổng thể mới của văn hóa nhân loại trong tương lai thế kỷ 21.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên phá vỡ mô hình cũ và tạo ra một phản ví dụ đầy ấn tượng. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã nỗ lực hết sức để gia nhập hàng ngũ các cường quốc thế giới, từng gây chấn động toàn cầu khi đánh bại đế chế Trung Hoa hùng mạnh và đánh bại đế quốc Nga mới nổi qua hai cuộc chiến tranh quân sự. Sau khi bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản chỉ mất chưa đầy 20 năm để tái gia nhập nhóm các cường quốc kinh tế của thế giới, và sự thật này lại một lần nữa gây chấn động toàn cầu. Hôm nay, Nhật Bản dù xét về GDP bình quân đầu người hay thu nhập bình quân đầu người, đều đứng đầu thế giới. Những người phương Tây, trước kia coi thường chủng tộc da vàng phương Đông, không thể không xem xét lại lý thuyết về sự ưu việt của chủng tộc da trắng mà họ đã kiên định từ trước. Mặc dù ngày nay vẫn còn những người có quan điểm coi Nhật Bản là một phép màu của nền văn hóa phương Tây ở phương Đông, và thậm chí một số người Nhật vẫn cố gắng thúc đẩy lý thuyết về sự ưu việt của chủng tộc Nhật Bản, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các lý thuyết và quan điểm đều không thể tách rời khỏi lịch sử nhân loại, không thể tách rời khỏi cái nhìn sâu sắc về lịch sử và từ đó nhận thức được ý nghĩa đặc biệt của nhân cách con người (tính cách) trong quá trình tạo dựng lịch sử. Mọi lời giải thích về phép màu Nhật Bản cuối cùng đều không thể tránh khỏi việc quay lại phân tích và tổng hợp quá trình thay đổi nhân cách văn hóa trong lịch sử. Dù người Nhật có kiêu ngạo đến đâu, họ cũng không thể phủ nhận nguồn gốc văn hóa Đông Á của chính mình và ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Sau kỳ tích kinh tế của người Nhật, “bốn con Rồng Châu Á” bao gồm Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Đài Loan, từ những năm 1960 cũng đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ các quốc gia và khu vực giàu có của thế giới. Hôm nay, Singapore đã lọt vào top 8 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, Hong Kong cũng đã đạt vị trí trong top 8 còn Macau đạt vị trí thứ 13, trong khi Đài Loan với 10,215 USD và Hàn Quốc với 6,740 USD vẫn đứng sau Macau.
Mặc dù sự trỗi dậy của kinh tế không đồng nghĩa với sự phục hưng văn hóa, nhưng có một điều có thể khẳng định là trong thế giới ngày nay, sự trỗi dậy của kinh tế của một quốc gia hay khu vực rõ ràng có mối tương quan tích cực với sự gia tăng tinh thần cầu tiến, tìm kiếm tri thức của người dân nơi đó. Ngày nay, tinh thần cầu tiến của nhân loại được thể hiện rõ rệt ở hai phương diện: một là việc theo đuổi kiến thức khoa học và công nghệ, và hai là việc tìm kiếm kiến thức về xã hội và dân chủ. Như chúng ta đã chỉ ra ở phần trước, tinh thần tín ngưỡng là “hướng dẫn” của đời người, tinh thần yêu thương là “mạch tuần hoàn tái sinh” của đời người, còn tinh thần cầu tiến là “động cơ thúc đẩy” của nền văn hóa nhân loại. Mọi sự tiến bộ văn hóa nhân loại đều phải dưới sự thúc đẩy của tinh thần cầu tiến mới có thể đạt được. Sự trì trệ trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc và sự thiếu vắng tinh thần cầu tiến chân chính trong văn hóa truyền thống Trung Quốc là những yếu tố có liên quan trực tiếp đến nhau.
Dù là Nhật Bản hay “bốn con Rồng Châu Á” Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Đài Loan, họ đều có hai đặc điểm văn hóa không thể phủ nhận. Thứ nhất, trong lịch sử của họ, đều có nền tảng văn hóa truyền thống Trung Quốc lâu dài. Singapore vì phần lớn dân số là người Trung Quốc (giống như Hong Kong), nên không cần phải giải thích thêm. Nhật Bản từ thế kỷ 6 đã bắt đầu học hỏi và mô phỏng văn hóa Trung Quốc, từ hệ thống chính trị, các kinh điển học thuật, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật, phong cách kiến trúc, công nghệ sản xuất cho đến chữ viết; hầu như tất cả những gì Trung Quốc có vào thời điểm đó, người Nhật đều sao chép mà không từ chối. Nhật Bản đã xây dựng hai thủ đô theo mẫu của kinh đô Trường An của Trung Quốc vào thời nhà Đường, đó là Nara và Kyoto ngày nay. Hai thành phố này vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn dáng vẻ của kinh đô Trường An cách đây 1.400 năm, nhưng về phía Trung Quốc, điều này lại không thể tìm thấy vì chúng đã trở thành đống đổ nát trong chiến tranh. Điều may mắn cho người Nhật là họ không sao chép hệ thống khoa cử của Trung Quốc, điều này đã giúp Nhật Bản không trở thành một quốc gia chuyên chế với thể chế quan lại như Trung Quốc, mà thay vào đó đã tạo cho mình một quốc gia phong kiến với quyền lực phân tán. Điều này chắc chắn rất quan trọng đối với sự trỗi dậy sau này của Nhật Bản. Người Nhật không thể phủ nhận rằng cho đến thế kỷ trước, trước khi người phương Tây vào Nhật, họ về cơ bản vẫn sống trong di sản văn hóa cổ đại Trung Quốc, thậm chí chữ viết của họ cũng sử dụng rất nhiều chữ Hán vuông của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống Trung Quốc và Hàn Quốc còn sâu sắc hơn cả Nhật Bản. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1122 trước Công nguyên, hậu duệ của hoàng gia nhà Thương Trung Quốc là Ki Tử đã thành lập quốc gia cổ Triều Tiên tại vùng Nam Mãn Châu. Vào khoảng năm 108-109 trước Công nguyên, Hoàng đế Hán Vũ Đế đã xâm chiếm cổ Triều Tiên và thiết lập các quận hành chính trực tiếp tại đây. Trong suốt một thời gian dài, không chỉ văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa Triều Tiên mà còn có nhiều người Trung Quốc hoặc các dân tộc phương Bắc bị Hán hóa đã di cư vào Triều Tiên. Đặc biệt phải nhấn mạnh rằng trong suốt hơn 500 năm thống trị tương đối ổn định của triều đại Choson (1392–1910), văn hóa Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện đối với Triều Tiên. Người Triều Tiên không chỉ tiếp thu các giá trị chính trị, đạo đức, tôn giáo, công nghệ, nghệ thuật của Trung Quốc mà còn sử dụng chữ Hán trong việc viết lách. Họ không chỉ hấp thụ tư tưởng Nho giáo của Khổng Mạnh và Nho giáo tân học vào các triều đại Tống, Minh sau này, mà giống như người Trung Quốc, họ cũng đặt chúng vào vị trí tối cao. So với người Nhật, người Triều Tiên còn áp dụng hệ thống thi cử của Trung Quốc. Điều này dễ dàng hình dung được tầm ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc đối với văn hóa Triều Tiên.
Đặc điểm văn hóa thứ hai là cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có một quá trình học hỏi văn hóa phương Tây, bắt đầu từ sự tiếp nhận thụ động đến chủ động hơn. Quá trình này càng chủ động bao nhiêu, thành tựu đạt được càng nhanh bấy nhiêu. Trong lĩnh vực này, Nhật Bản là tấm gương mẫu mực của một quốc gia lạc hậu vươn lên để tiến bộ. Từ thời Minh Trị Duy Tân, người Nhật đã học hỏi văn hóa phương Tây một cách toàn diện và sâu sắc, không thua kém gì việc tổ tiên của họ học hỏi văn hóa Trung Quốc cách đây 1.400 năm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân đội chiếm đóng của Mỹ thực hiện các biện pháp toàn diện nhằm phương Tây hóa Nhật Bản, người Nhật đã chấp nhận mà không phản kháng. Mặc dù sau khi kết thúc sự chiếm đóng vào năm 1952, văn hóa chính trị của Nhật Bản có một số yếu tố quay về truyền thống, nhưng cơ bản Nhật Bản vẫn duy trì sự hiện diện thật sự của văn hóa chính trị phương Tây trong xã hội Đông phương. Dù nhìn từ góc độ nào về kỳ tích của Nhật Bản, có một điều không thể phủ nhận là người Nhật học hỏi các ưu điểm văn hóa của các dân tộc khác với một thái độ hoàn toàn cởi mở, chân thành và nhiệt thành, điều mà không dân tộc nào trên thế giới có thể sánh kịp. Trong điểm này, đặc biệt người Trung Quốc nên tự cảm thấy xấu hổ. Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ đã tạo ra trong người Trung Quốc, đặc biệt là trong giới trí thức Trung Quốc, những tính cách bệnh hoạn: hiếu mà không trung, trọng lễ mà không trọng lý, coi trọng con người mà không coi trọng công việc, nịnh hót người hiền mà sợ kẻ ác, giả vờ nhân nghĩa mà lại là kẻ giả danh quân tử… những tính cách này đã cản trở nghiêm trọng khả năng học hỏi văn hóa phương Tây của người Trung Quốc. Người Nhật học phương Tây với một lòng quyết tâm và không thay đổi, còn người Trung Quốc học phương Tây thì lúc ngó trái ngó phải, học mà không ra gì, rồi lại biện minh rằng: “Nho học là nền tảng, học phương Tây là ứng dụng”, “phương Tây hóa toàn bộ” là không tôn trọng tổ tiên. Những tính cách chua ngoa, lạc hậu, giả dối, kiêu ngạo và chuyên quyền của người Trung Quốc đã cản trở sự tiến bộ của nền văn hóa dân tộc Trung Hoa. Mặc dù tôi không cho rằng quan điểm “phương Tây hóa toàn bộ” là hợp lý, nhưng việc coi những người giữ quan điểm này là kẻ thù của dân tộc chính là di sản của chế độ chuyên chế thời Trung Cổ. So với đó, những người chỉ nói miệng kêu gọi học phương Tây nhưng hành động lại ngăn cản mọi cách mới chính là kẻ gây hại cho dân tộc Trung Hoa.
Cả “bốn con rồng châu Á” đều có một lịch sử chung là từng là thuộc địa của các nước khác. Singapore, trước khi độc lập (1969), đã có 140 năm lịch sử là thuộc địa của Anh, trong khi Hong Kong là thuộc địa của Anh lâu hơn, hơn một thế kỷ rưỡi. Trước khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945, Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt có 52 năm và 36 năm lịch sử là thuộc địa của Nhật Bản. Quá trình trở thành thuộc địa rõ ràng có thể xem là quá trình tiếp nhận văn hóa của quốc gia đô hộ, và quá trình này không thể nói là không quan trọng đối với việc thay đổi nhân cách của con người trong khu vực. Một thế kỷ rưỡi ít nhất đã ảnh hưởng đến bảy tám thế hệ, nửa thế kỷ cũng đã ảnh hưởng đến ít nhất hai thế hệ. Để thay đổi nhân cách của một dân tộc với chìa khoá chính là môi trường văn hóa thì hai ba thế hệ là đủ. Những người Trung Quốc lớn lên ở phương Tây (chẳng hạn như Mỹ) cơ bản sẽ không lặp lại nhân cách của ông bà, thậm chí là cha mẹ họ. Môi trường văn hóa xã hội quan trọng nhất trong việc cải tạo nhân cách của một thế hệ chính là môi trường văn hóa chính trị, điều mà nhà tư tưởng Pháp thế kỷ 18, Montesquieu, đã chỉ ra từ lâu. Bí mật thực sự của nhân cách quan liêu của người Trung Quốc không nằm ở di truyền sinh học của con người, mà nằm trong sự duy trì lâu dài của văn hóa chính trị truyền thống Trung Quốc mà không có sự cải cách thực chất. Theo ý nghĩa này, chúng ta không thể coi nhẹ kinh nghiệm thuộc địa chung của “bốn con rồng châu Á”. Đối với người Trung Quốc, tinh thần cầu tiến thực sự của nhân loại khó có thể thể hiện một cách trung thực ở khía cạnh này, điều này đã gây ra sự tự rối ren trong một thế kỷ rưỡi hiện đại của Trung Quốc. So sánh mà nói, đây chính là điểm mà người Nhật giỏi hơn người Trung Quốc, và đây cũng là điểm mà người Trung Quốc sống tại “bốn con rồng châu Á giỏi hơn người Trung Quốc ở quê hương của họ. Khi nào tinh thần cầu tiến của người Trung “Quốc có thể phát triển tự do và toàn diện, sự trỗi dậy của nền văn hóa Trung Hoa mới thực sự bắt đầu trở nên không thể đảo ngược.
Sự trỗi dậy kinh tế lần lượt của Nhật Bản và “bốn con rồng châu Á” đối với văn hóa Trung Quốc thật sự là một kích thích rất mạnh mẽ. Kích thích này đối với văn hóa Trung Quốc và người Trung Quốc đều cực kỳ có lợi. Cùng là màu da, cùng là văn hóa Đông phương, tại sao họ đều có thể lọt vào top 20 quốc gia và khu vực giàu có, còn Trung Quốc lại vẫn tụt lại ở vị trí cuối cùng trong top 20? Ở đây, bất kỳ lời biện hộ nào cũng chỉ làm cho chúng ta cảm thấy yếu ớt và vô dụng. Dù thế nào cũng không thể chênh lệch quá nhiều như vậy. Kích thích này chỉ nên khiến mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn.
Thực tế trong gần 15 năm qua, Trung Quốc cũng đã có những thay đổi không nhỏ, mặc dù cũng đi kèm với không ít thăng trầm. Trong suốt mười mấy năm qua, Trung Quốc đã tạo ra những tỷ lệ tăng trưởng GDP gần như luôn đứng đầu, và vào năm 1993, với tỷ lệ 13,4%, đã đứng đầu thế giới. Thêm vào đó là tình hình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các quốc gia và khu vực xung quanh, đã khiến các chuyên gia nước ngoài đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ trỗi dậy vào đầu thế kỷ 21. Ngày 18 tháng 4 năm 1993, Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo quan trọng có tiêu đề “Triển vọng phát triển kinh tế thế giới và các quốc gia đang phát triển”, trong đó chỉ ra rằng sức mạnh kinh tế của khu vực kinh tế Trung Quốc bao gồm đại lục, Hồng Kông và Đài Loan, dự đoán vào năm 2002 sẽ vượt qua Mỹ, quốc gia đã dẫn đầu nền kinh tế thế giới suốt một thế kỷ, và đứng đầu toàn cầu. Lúc đó, GDP của khu vực kinh tế Trung Quốc bao gồm đại lục, Đài Loan và Hồng Kông sẽ đạt 9,7 nghìn tỷ USD. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 7.300 USD, trong khi Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 37.900 USD và 36.000 USD, Trung Quốc chỉ bằng 1/5 của những quốc gia này. Mặc dù con số không nhất thiết phải hoàn toàn chính xác, nhưng xu thế lớn, hay như tiêu đề của đoạn này gọi là “sự tất yếu của thời cuộc,” là thực sự tồn tại.
Tính khả thi trong thực tế
Nhìn vào tình hình thực tế của Trung Quốc, các yếu tố có lợi và có hại luôn đan xen và tồn tại đồng thời. Do đó, hy vọng cũng luôn đi kèm với sự thất vọng. Tuy nhiên, bất chấp mọi tình huống phức tạp, tôi vẫn muốn nói với độc giả của mình một số tin tức có lợi và đầy hy vọng. Như tôi đã đề cập trước đó về xu thế lớn của văn hóa Trung Quốc, vì xu thế đã là tất yếu thì chúng ta cũng nên nhận thức đầy đủ về khả năng tiến bộ thực tế trong hiện tại.
Sau mười mấy năm cải cách mở cửa về kinh tế, Trung Quốc thực sự đã có một diện mạo mới. Tôi tóm tắt lại ba khía cạnh chính đã có những chuyển biến có lợi và khó có thể đảo ngược.
(1) Lịch sử của những phong trào phê phán nhiệt thành đối với chính trị và ý thức hệ đã hoặc đang dần trở thành quá khứ.
Những người Trung Quốc đã bước vào tuổi trung niên và cao tuổi bây giờ chắc chắn sẽ hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc điều này. Khi chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ở bên kia eo biển không ngừng tạo ra các sự kiện (sự kiện Ngô Quốc Trinh, sự kiện Tôn Lập Nhân, sự kiện tạp chí Trung Quốc Tự Do, sự kiện Trung Lịch, sự kiện Cao Hùng, sự kiện tạp chí Văn Tinh, v.v.), thì ở bên này cũng liên tiếp xảy ra các phong trào, mỗi lần phong trào đều không thể tránh khỏi việc làm tổn thương hàng nghìn, hàng vạn người vô tội, và những người vô tội này thường là những tài năng bị ghen ghét. Khi nói rằng các phong trào chính trị trong lịch sử Trung Quốc là một cuộc “thanh trừng” các tài năng của Trung Quốc là nói về hiệu quả thực tế của chúng. Tất nhiên, điều đó không nhất thiết ám chỉ đến động cơ ban đầu của những người khởi xướng các phong trào, tuy nhiên động cơ và hiệu quả lại không thể tách rời nhau. Dường như chỉ khi sự việc đến cực điểm thì mới có thể quay đầu lại. Khi phong trào phát triển đến mức cực đoan của “Cách mạng Văn hóa,” thì Trung Quốc đã mở ra hơn mười năm “mở cửa” và “cải cách”. Mọi người âm thầm cảm thấy may mắn, cảm ơn trời đất rằng thời đại của các phong trào chính trị có lẽ đã qua rồi! Liệu nó có thực sự qua mãi mãi không? Tôi nghĩ khả năng là đã qua, vì vậy tôi coi đây là một trong những hướng đi thuận lợi đầu tiên.
(2) Mong muốn thoát nghèo của 800 triệu nông dân Trung Quốc có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh thực sự hoặc lao động sáng tạo.
Đây là thành tựu nổi bật nhất của công cuộc cải cách và mở cửa trong hơn mười năm qua. Ở Trung Quốc, nông dân là những người có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất. Nhưng mức độ kỳ vọng của nông dân đối với bản thân là thấp nhất. Ở phương diện này, tầng lớp thượng lưu, những người trí thức thành thị, thậm chí công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước và tập thể đều có kỳ vọng cao hơn rất nhiều so với nông dân. Tuy nhiên, ý thức lao động của nông dân lại cao nhất. Trên thực tế, điều này có thể được xác minh ở mọi nơi. Hầu như tất cả những công việc khó khăn nhất, mệt mỏi nhất, bẩn thỉu nhất, nguy hiểm nhất và ít lợi nhuận nhất ở thành phố đều do những người nông dân nhập cư vào thành phố đảm nhiệm. Đáng tiếc là, phần lớn nông dân Trung Quốc không có cơ hội nhận được nền giáo dục văn hóa mà họ xứng đáng được hưởng, và hầu hết trong số họ đều mù chữ hoặc chỉ biết một ít. So với Nhật Bản và “bốn con Rồng châu Á” (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan), điều này phản ánh điểm yếu chí mạng của Trung Quốc đại lục. Hiện tượng phân tách nghiêm trọng giữa lao động trí óc và lao động chân tay trong văn hóa truyền thống Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì suốt gần nửa thế kỷ qua. Những người có học thức lại lười biếng, trong khi những người chăm chỉ lại thiếu học thức, đó là bệnh truyền thống trong văn hóa Trung Quốc. Làm thế nào để vượt qua căn bệnh truyền thống này sẽ là vấn đề lớn quyết định xem văn hóa Trung Quốc có thể thực sự phục hưng vào thế kỷ 21 hay không. Lâu nay, có một quan niệm sai lầm rằng văn hóa Trung Quốc tụt hậu là do một số lượng lớn nông dân với tư tưởng lạc hậu kéo lùi. Đó là một sự oan uổng rất lớn và là một sự xuyên tạc có chủ ý. Tôi muốn nói rằng, sự trì trệ lâu dài của văn hóa Trung Quốc chính là do các trí thức truyền thống của Trung Quốc gây ra. Từ việc phân tích về tính cách trong cuốn sách này, chúng ta biết rằng, tính cách phổ biến của người Trung Quốc là tính cách quan trường. Những vấn đề được phản ánh trong các bài viết trước đều xuất phát từ hành động của những người mang tính cách quan trường. Những tính cách như “hiếu mà không trung”, “nói lễ mà không nói lý”, “trọng người mà không trọng việc”, “sợ kẻ ác mà ức hiếp kẻ thiện”, “giả nhân giả nghĩa” của kẻ tiểu nhân… tất cả đều được thể hiện tập trung ở những người trí thức truyền thống Trung Quốc. Giới trí thức Trung Quốc truyền thống là lực lượng dự bị và ứng cử viên cho các hoàng đế, tướng lĩnh và quan lại. Họ là những bể nhuộm lớn trong việc hình thành tính cách quan trường. Ai ở trong hoặc gần bể nhuộm này thì tính cách quan trường của người đó càng rõ nét; ngược lại, ai càng xa quan trường và bể nhuộm này thì tính cách quan trường của người đó càng mờ nhạt. Nông dân chắc chắn là những người xa nhất với quan trường và bể nhuộm này, vì vậy ở người nông dân Trung Quốc, người ta thường thấy được những phẩm chất chân thật, trung hậu, thành thật và thẳng thắn. Tất cả những điều này từ lâu đã không còn tồn tại ở các trí thức truyền thống Trung Quốc. Lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc chủ yếu là lịch sử của các trí thức truyền thống, họ là những hoàng đế, tướng quân, quan lại, học giả, văn nhân. Dù sao đi nữa, họ chính là những người sáng tạo ra văn hóa chữ viết và nhân cách văn hóa của Trung Quốc hiện tại. Nếu quá khứ có công, đó là của họ, nếu quá khứ có tội, họ cũng phải gánh vác. Trong gần một thế kỷ qua, các cải cách, đổi mới, chính biến, phục hồi, nền cộng hòa giả, quốc hội giả, bầu cử giả, cách mạng quốc dân giả, mọi thứ giả… tất cả đều là do họ tạo ra. Những người này, những người thấm đẫm tính cách quan liêu, chẳng phải đang liên tục cản trở sự phát triển của nền văn hóa dân tộc Trung Hoa hay sao? Và trong tất cả những việc này, đâu là việc mà nông dân Trung Quốc làm? Nông dân không có học vấn, không được giáo dục, đây không phải là nguyên nhân của tội ác xã hội mà là kết quả của tội ác xã hội. Tôi muốn nói với độc giả rằng, nông dân không phải là người kéo nền văn hóa Trung Quốc lùi lại, ngược lại, nông dân chính là nguồn gốc của lực lượng tinh thần quan trọng nhất thúc đẩy nền văn hóa Trung Quốc tiến bộ ngày nay. Bởi vì thực ra họ có ít nhất những tinh thần giả tín ngưỡng, giả tri thức… còn sót lại từ nền văn hóa cũ, và biểu hiện tính cách bệnh hoạn của chế độ quan trường ít nhất. Vì vậy, trong thời đại cải cách mở cửa hiện nay, họ có sức sống lớn nhất. Báo chí đã nói: “Các doanh nghiệp làng xã đầy năng lượng là lý do chính khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua, cũng là yếu tố quan trọng khiến thu nhập nông thôn tăng lên”, “Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp nông thôn Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 1994 đạt 473,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.” Xu hướng cơ bản của sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc trong thế kỷ 21 được phản ánh ở nông dân Trung Quốc, nhưng sự trỗi dậy thực sự của văn hóa Trung Quốc không thể bỏ qua điểm thứ ba dưới đây.
(3) Trên đống đổ nát của Nho giáo truyền thống và các hệ tư tưởng khác, ngày càng có nhiều trí thức mới của Trung Quốc dần hình thành.
Trước đây, chúng ta đã nói rằng, giới trí thức truyền thống của Trung Quốc không thể đảm đương nhiệm vụ lớn của trí thức, họ hoàn toàn bị giam cầm bởi tín ngưỡng giả và tri thức giả. Đối với những ai đã đắm chìm hoàn toàn vào “Tứ Thư Ngũ Kinh” thì rất khó có thể thoát ra được. Tương tự, những người hoàn toàn bị lý thuyết của một hệ tư tưởng chính trị chi phối, cũng rất khó để thoát khỏi xiềng xích của nó. Tại sao? Bởi vì một khi bất kỳ học thuyết nào gắn liền với quyền lực thế tục, nó chắc chắn sẽ mất đi vị thế và giá trị của mình như một người khám phá chân lý. Điều này đúng với mọi thời đại và ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà trí thức hiện đại, họ phải sở hữu tất cả các tinh thần cốt lõi của nhân loại: tinh thần tín ngưỡng, tinh thần tìm kiếm tri thức và tinh thần yêu thương con người. Ít nhất, họ cũng phải có tinh thần tìm kiếm tri thức trọn vẹn, tức là tinh thần khoa học và dân chủ. Người trí thức phải là người sáng tạo ra văn hóa, nhưng trước hết phải là người phê phán văn hóa, phê phán và vạch trần mọi hành vi sai trái, giả dối và xấu xí tồn tại trong xã hội. Giới trí thức truyền thống Trung Quốc có thể bảo vệ tất cả những hành vi này, nhưng giới trí thức hiện đại Trung Quốc không bao giờ thông đồng với họ. Trí thức truyền thống Trung Quốc có thể có tính cách quan trường điển hình, nhưng trí thức hiện đại Trung Quốc thì không, họ phải có một tính cách thị trường mới, thậm chí là tính cách lãng mạn. Họ là hình mẫu cho tính cách mới của người Trung Quốc: công tư phân minh, tôn trọng pháp luật, tự trọng, chống lại điều xấu, kiên trì sự thật, tìm kiếm tri thức mới, yêu tự do, yêu con người, yêu thiên nhiên…
Trong khoảng mười năm trở lại đây, một lượng lớn các trí thức trẻ đã rời xa quan trường, gia nhập thị trường, gọi là “đi vào kinh doanh”. Số lượng người kinh doanh càng nhiều, càng có lợi cho việc chuyển đổi tính cách quan trường của trí thức Trung Quốc. Pháp luật là thần hộ mệnh của những người kinh doanh, và những người biết sử dụng pháp luật để bảo vệ bản thân, tất nhiên phải học cách nói lý. Những người kinh doanh phải học cách làm việc thực tế, những quan điểm trước đây chỉ coi trọng việc làm người chắc chắn sẽ phải thu hẹp lại. Trong quá khứ, quyền lực là tất cả, nhưng ngày nay thì ngược lại, tiền bạc là tất cả. Trung tâm giá trị quyền lực có thể chuyển thành trung tâm giá trị tiền bạc. Trước đây, nói dối là chuyện bình thường, nhưng hôm nay, nếu vẫn tiếp tục nói dối, rất có thể một ngày nào đó sẽ bị “nhấn chìm”. Thị trường đòi hỏi sự tín nhiệm, không có tín nhiệm thì không thể tham gia thị trường. Trước kia, quyền lực đã tạo nên tính cách cơ bản của người Trung Quốc, nhưng ngày nay, thị trường đã bắt đầu và nó sẽ tạo ra một nhóm người Trung Quốc với tính cách mới. Mặc dù trong thị trường vẫn tồn tại những cái bẫy (như đã đề cập trong phần trước của cuốn sách), khiến một số người trở nên xấu xa, nhưng nhìn chung, tính cách thị trường có lợi cho sự sáng tạo và tiến bộ văn hóa hơn tính cách quan trường.
Tôi cũng đặt niềm hy vọng vào một lượng lớn người Trung Quốc đi học ở phương Tây. Sau khi học thành tài, trong số họ chắc chắn sẽ có không ít người quay lại để phục vụ đất nước. Tôi hy vọng trong số họ sẽ xuất hiện một nhóm trí thức dẫn đầu trong việc sáng tạo nền văn hóa mới của Trung Quốc.
Trong suốt hàng nghìn năm, các nhà trí thức Trung Quốc có tầm nhìn xa và hoài bão đã luôn gặp khó khăn trong việc thành lập một đội ngũ độc lập để xây dựng nền văn hóa Trung Hoa mới. Sức mạnh của tư tưởng, sức mạnh của tự do ngôn luận, sức mạnh của báo chí tự do, sức mạnh của hiến pháp, sức mạnh của phát minh khoa học và công nghệ… tất cả những sức mạnh này hoạt động bình thường trong xã hội hiện đại chỉ có thể hiện thực hóa được nếu giới trí thức Trung Quốc hiện đại có những đóng góp xứng đáng.
Trong sự phát triển của xã hội Trung Quốc trong tương lai, nếu ba khả năng trên có thể được mở rộng không ngừng, thì sự phục hưng của văn hóa Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ không chỉ là một khả năng mà chắc chắn sẽ là một sự thực tất yếu.
Đọc tiếp chương 31: