Nịnh bợ kẻ mạnh, bắt nạt kẻ yếu, hay nói theo cách thông thường là “sợ kẻ mạnh, ức hiếp kẻ yếu; sợ kẻ ác, ức hiếp kẻ thiện” chắc chắn là những phẩm chất tồi tệ, hèn hạ và đáng xấu hổ nhất của con người. Marx từng trả lời câu hỏi của con gái mình một cách dứt khoát rằng ông ghét nhất là sự nịnh bợ.
Điều đau đớn là tôi cảm nhận sâu sắc rằng trong cộng đồng của mình, trong những người Trung Quốc, những người mất nhân cách và lòng tự trọng này lại rất dễ dàng nhìn thấy.
Khi đọc những tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc như Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa, điều khiến người ta phấn khích nhất là gì? Đó là cảnh Lỗ Trí Thâm đấm chết Trấn Quan Tây, Võ Tòng say rượu đánh chết Tưởng Môn Thần, hay Trương Phi nổi giận quất roi vào Đốc Bưu. Tại sao lại vậy? Bởi vì Trấn Quan Tây, Tưởng Môn Thần và Đốc Bưu là những kẻ đê tiện chuyên dựa thế hiếp người, lấy mạnh hiếp yếu. Võ Tòng tự nhận mình là người chuyên đánh những kẻ ác và không có đạo đức trên đời. Và chính tính cách kiêu hãnh, căm ghét cái ác của Võ Tòng đã khiến ông trở thành một trong số ít nhân vật được yêu thích nhất trong truyện Thủy Hử. Tại sao vậy? Đó là bởi vì ngoài đời hiếm khi thấy được những người như thế. Giống như người Trung Quốc thích xem kịch về quan thanh liêm, điều này phản ánh một sự khao khát chung trong lòng mỗi người dân Trung Quốc. Vì trong thực tế ngoài đời thì tham quan ô lại rất nhiều, kẻ mạnh hiếp yếu, kẻ xấu xa lộng quyền cũng nhiều. Chính vì sự thiếu hụt trong thực tế mà đã khơi dậy sự khao khát trong lòng mọi người. Hình ảnh quan thanh liêm và hiệp khách trừ gian diệt bạo trong sách đối lập rõ rệt với thực tế của những tên quan tham và kẻ ác ngoài đời. Đáng tiếc thay, những gì trong sách chỉ là ảo, còn thực tế mới là thật. Các nhà văn có lương tâm và tư tưởng thường không viết về những điều hư ảo, họ không muốn sản xuất hàng loạt những liều thuốc an ủi tạm thời để xoa dịu nỗi đau của những cuộc đời đáng thương. Về điểm này, cho đến nay, chưa có nhà văn nào vượt qua được Lỗ Tấn. Nhân vật AQ mà ông tạo ra đã khắc hoạ sống động tâm hồn người Trung Quốc. Bản thân AQ dù luôn bị người khác bắt nạt, nhưng vẫn lấy việc bắt nạt một ni cô trẻ làm thú vui. Điều này cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của Lỗ Tấn về nhân cách người Trung Quốc, cũng như nỗi đau và cơn giận dữ “thương cho sự bất hạnh của họ, giận cho sự không đấu tranh của họ” trong lòng ông.
Trong lịch sử cũng như trong các câu chuyện tiểu thuyết, những câu chuyện về kẻ yếu bị bắt nạt, kẻ mạnh được nịnh hót nhiều không đếm xuể và thực ra cũng không cần phải liệt kê, bởi trong lòng mỗi người đều có một ký ức khó quên về những trải nghiệm cuộc sống như vậy. Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua đã trải qua vô số cuộc vận động chính trị, đặc biệt là trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, với biết bao cảnh tượng khó mà quên được, làm cho người ta thấy rõ cái “bóng ma” trong nhân cách của người Trung Quốc qua hình tượng AQ.
Tại sao mọi người lại tàn nhẫn với những người bị phê phán như vậy? Tại sao lại ra tay đánh đập những người vô tội? Tại sao lại nhiệt tình chèn ép những người yếu thế, những người thực ra đã không còn khả năng phản kháng? Gần đây, vì sao lại xảy ra những vụ công khai đe dọa, cướp đoạt tiền bạc, thậm chí sỉ nhục và xâm phạm phụ nữ giữa thanh thiên bạch nhật mà đám đông chỉ đứng xem mà không ai dám can ngăn? Thói quen bắt nạt người yếu, sợ kẻ mạnh dường như đã quá quen thuộc với người Trung Quốc! Bao gồm cả những kẻ “giả Tây,” “bồi Tây” xưa nay bị người đời chửi bới vì sự cay nghiệt với đồng bào của mình, nhưng lại nịnh bợ với người nước ngoài, cũng như thái độ khúm núm của lính canh trước quan lớn nhưng lại có hành vi hung ác với dân thường. Tất cả những điều này, chẳng lẽ không đáng để chúng ta tự hỏi vì sao hay sao?
Trong hơn 2000 năm qua, bản tính “thiện” của người Trung Quốc thực chất là một vẻ bề ngoài giả tạo được áp đặt dưới sức mạnh của quyền lực. Chỉ cần quyền lực này sụp đổ, cái ác của người Trung Quốc sẽ giống như ác quỷ thoát ra khỏi chiếc hộp Pandora, ào ạt tuôn ra, tàn phá khắp nơi. Đây chính là lý do Trung Quốc không thể thoát khỏi sự cai trị chuyên chế, và cũng là nguyên nhân chủ yếu tạo nên thói quen xấu xa của người Trung Quốc trong việc ức hiếp kẻ yếu và sợ hãi kẻ mạnh. Nói cách khác, sự cai trị chuyên chế kéo dài hơn 2000 năm và thói xấu trong tính cách này của người Trung Quốc thực chất là hai mặt của một thực thể, hay chính là cặp song sinh quái thai sinh ra từ cùng một “mẹ”. Vấn đề là cần phải truy tìm xem “người mẹ” này thực sự là gì. Chúng ta phải đào cái gốc này ngay hôm nay. Nếu không, người Trung Quốc sẽ mãi không có hy vọng cho tương lai.
Cho đến nay, vẫn còn một số “học giả” chỉ nhìn thấy phần nổi mà không thấy bản chất, tiếp tục tán dương chủ nghĩa toàn trị và đề cao Tân Nho giáo một cách mù quáng. Thực chất, họ đang cổ xúy cho hành động “uống thuốc độc để giải khát,” muốn người Trung Quốc mãi không thể thoát khỏi bóng tối truyền thống của chính mình, mãi sống trong trạng thái lẫn lộn, rơi vào vòng quay của lịch sử mà không thể tự mình sáng tạo ra lịch sử.
Bây giờ chúng ta hãy phân tích và tìm ra gốc rễ của vấn đề này. Gốc rễ chính là ở chỗ người Trung Quốc trong hơn 2000 năm qua luôn tuân theo sự giáo huấn của các thánh nhân Nho giáo, và cũng có các thánh nhân Đạo giáo cổ vũ những điều tương tự. Họ cùng nhau định nghĩa việc theo đuổi cái “thiện” là “khắc kỷ, nhẫn nhượng, nhu thuận, thủ thư” (kiềm chế chính mình, nhẫn nhịn và khoan dung, nhu mì, ôn hoà)…Trước đó, chúng ta đã chỉ ra rằng các tiên tri cổ đại của người Do Thái phương Tây đã định nghĩa “thiện” là niềm tin vào Thượng Đế, tuân thủ giao ước với Thượng Đế, và tuân theo Mười Điều Răn của Moses và những lời răn dạy khác trong Kinh Thánh đối với tín đồ. “Thiện” trong lòng người tín đồ là cụ thể, là thứ mà con người có thể chủ động trải nghiệm, và biểu tượng cao nhất của thiện là Thượng Đế vĩnh hằng, tối cao. Các triết gia Hy Lạp cổ đại lại định nghĩa “thiện” là tri thức, việc con người không ngừng tìm kiếm tri thức chính là tìm kiếm thiện, mà thiện cũng là cụ thể và có thể trải nghiệm một cách chủ động. Thiện trong tri thức là vô tận, không ai có thể chiếm hữu trọn vẹn. Đích đến cuối cùng của thiện luôn vượt qua khả năng của bất kỳ cá nhân nào, điều này trong triết học của Plato thể hiện qua khái niệm “lý niệm,” còn trong triết học của Aristotle là “hoàn hảo nội tại”. Với người Hy Lạp, lý niệm và hoàn hảo nội tại có thể coi như Thượng Đế trong lòng mỗi người.
Các thánh nhân Trung Quốc đề cao cái “thiện,” nhưng lại không cụ thể, vì thứ thiện này mang tính hư ảo và đối nghịch hoàn toàn với những cái ác và dục vọng sơ khai của con người. Bản năng sơ khai này gồm nhu cầu ăn uống, nhu cầu tình dục, và nhu cầu tri thức – chính là nền tảng của sức sống con người. Khi các thánh nhân Trung Quốc định nghĩa thiện qua việc “khắc kỷ, nhẫn nhượng, nhu thuận, thủ thư”, thậm chí là “vô vi” và “vô tri,” thì thực chất họ đang biến sự loại bỏ sức sống của con người thành tiêu chuẩn của thiện. Kiểu thiện này thực chất không thể nào thực hiện được, nếu có thể thực hiện thì cũng chỉ là giả vờ bề ngoài, không thể nào thực hiện một cách thực chất. Vì vậy, thứ thiện này chỉ có thể là một loại thiện giả tạo. Nếu ai đó cả tin vào những gì thánh nhân nói và thực sự làm như vậy, thì sự “thiện” đối với người khác sẽ trở thành điều ác đối với chính họ. Hành vi thiện giả tạo này sẽ khiến người khác càng hà hiếp họ một cách tuỳ tiện, dẫn đến cái ác lớn hơn. Khổng Tử cho rằng “khắc kỷ phục lễ” là điều thiện tối cao, còn gọi là “nhân.” Nhưng thực ra, điều này hoàn toàn thiếu tính nhân đạo. “Lễ” là gì? “Lễ” chính là hệ thống phân biệt thứ bậc tôn ti, cao thấp giữa con người. Khổng Tử chủ trương mọi người cần kìm nén bản thân để duy trì lễ, tức là duy trì hệ thống phân biệt đẳng cấp trong xã hội. Điều này tương đương với việc yêu cầu đại đa số kìm hãm bản năng của mình để thỏa mãn sự buông thả của một nhóm thiểu số. Dù Khổng Tử dường như cũng yêu cầu những người có quyền lực phải kìm nén để duy trì lễ, thì rõ ràng đây chỉ là một ảo tưởng không bao giờ có thể đạt được, ngược lại còn trở thành tấm áo khoác quý giá để che giấu sự giả dối của kẻ cầm quyền. Logic ở đây rất rõ ràng, và những ghi chép lịch sử lại càng rõ ràng hơn. Lịch sử cho thấy, sự “thiện” của phần lớn người dân Trung Quốc thực ra là sản phẩm của sự đàn áp từ chế độ toàn trị. Việc bóp méo bản tính của con người là sản phẩm của sự áp bức tàn khốc từ chế độ độc tài và sự lừa dối của giáo lý, trong đó sự áp bức từ chết độ là yếu tố chính và thực chất hơn cả.
Sự thiện của người phương Tây là vô hạn, dù là tín ngưỡng hay tri thức thì đều luôn có thể không ngừng thăng hoa và tiến bộ. Bởi vì Thượng Đế tối cao và vĩnh cửu, cũng như lý tưởng tối hậu của tri thức, đều vượt xa tất cả sức mạnh của con người trên thế gian, bất kể đó là quyền lực hay trí tuệ.
Sự thiện của người Trung Quốc nếu thực sự tuân theo lý tưởng “phát triển thiên lý, tiêu diệt dục vọng của con người” của Nho học thời Tống, thì kết quả sẽ là sự tàn lụi của sức sống con người. Vì trên thực tế, con người sẽ không tự nguyện làm tổn hại sức sống của mình, điều này chỉ có thể dẫn đến sự giả tạo mãi mãi. Lễ giáo của Khổng Tử, cụ thể hơn là Chu Lễ, là bất biến, cứng nhắc, và luôn nằm dưới sự uy hiếp của quyền lực chuyên chế. Vì vậy, sự thiện của người Trung Quốc mãi mãi không thể thăng hoa, không thể tiến bộ. Người Trung Quốc chỉ có thể sống đeo mặt nạ giả thiện; những người dân thường đeo mặt nạ làm người lương thiện, trung thành, còn những kẻ nắm quyền đeo mặt nạ làm quân vương thánh thiện, hiền triết và quan thanh liêm. Mặt nạ giả này chủ yếu được thể hiện qua việc nói dối, viết những bài văn trái lương tâm, báo cáo giả, và thể hiện lòng trung thành giả dối.
Sự thiện của người phương Tây, bất kể là tín ngưỡng thờ phượng Thượng Đế của người Do Thái cổ đại hay sự theo đuổi tri thức của người Hy Lạp cổ đại, đều thể hiện xu hướng bản ác trong bản chất con người. Chủ trương của họ tương hợp với bản chất ác nguyên thủy và dục vọng nguyên thủy của con người. Trong khi đó, các bậc thánh nhân Trung Quốc cho rằng cái thiện là kiềm chế bản thân, nhẫn nhịn thì lại rõ ràng mâu thuẫn với cái ác nguyên thủy và dục vọng nguyên thuỷ của con người. Quan niệm phản nhân tính này, khi kết hợp với lễ giáo phản nhân đạo, đã tạo ra gốc rễ tinh thần sâu xa nhất cho sự trường tồn của chế độ chuyên chế tại Trung Quốc. Chính gốc rễ này đã làm nảy sinh thời kỳ trung cổ kéo dài hơn 2000 năm tại Trung Quốc. Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của người phương Tây vào thế kỷ 19, thời kỳ trung cổ này sẽ còn kéo dài không biết đến thế kỷ nào. Về điểm này, tôi đã giải thích ở phần trước.
Quay lại chủ đề của chương này. Người Trung Quốc buộc phải “kiềm chế bản thân” và “nhẫn nhịn” dưới sự áp bức của quyền lực chuyên chế, nhưng Nho giáo lại lừa gạt mọi người rằng đó là kết quả của tính thiện trong bản chất con người, rằng đó là do con người vốn có lòng trắc ẩn, xấu hổ, khiêm nhường và phân biệt đúng sai. Từ đó, Nho giáo đã che đậy sự tàn nhẫn trắng trợn của quyền lực bằng một màn khói tâm lý dễ dàng đánh lừa con người, tạo nên “phép thắng lợi tinh thần” đặc trưng kiểu AQ của người Trung Quốc. Hơn nữa, lý thuyết về tính thiện của con người cũng là công cụ hữu ích để tô vẽ cho các hành vi ác độc của kẻ cầm quyền. Trong thời kỳ trung cổ kéo dài của Trung Quốc, trong lòng dân chúng, điều xấu xa chỉ thuộc về các quan tham địa phương, còn hoàng đế thì luôn luôn là thần thánh, là người cao thượng. Tư tưởng của các anh hùng trong tiểu thuyết Thủy Hử khi chỉ chống lại quan tham chứ không chống lại hoàng đế phù hợp với thực tế của xã hội thời trung cổ. Những kẻ cáo giác luôn có thể được thăng chức và thường được người đời ca ngợi. Kẻ cầm quyền ở sâu trong cung điện, còn tất cả những hành vi hèn hạ trong cung điện đều bị che đậy bởi một màn trời cao ngất. Điều này đã tạo cho dân chúng ấn tượng rằng chỉ có các quan địa phương là người xấu, còn hoàng đế là người tốt.
Như đã đề cập trước đó, người dân Trung Quốc có truyền thống sợ quan lại. Bởi lẽ, quan lại đến thường không đem theo điều gì tốt đẹp, mà là để thu thuế, ép buộc quyên góp, hay bắt người. Dân chúng tuy hận họ thấu xương, nhưng bên ngoài vẫn phải tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng. Không chỉ dân chúng, mà ngay cả quan nhỏ gặp quan lớn, quan lớn gặp tể tướng, tể tướng gặp hoàng đế, đều thể hiện sự sợ hãi như vậy. Quyền lực ở Trung Quốc thực chất đã trở thành tài sản riêng của các cá nhân cụ thể, nơi chỉ tồn tại sự đe dọa từ trên xuống dưới, hoàn toàn không có sự kiểm soát ngược từ dưới lên trên. Điều này là kết quả tất yếu của việc Trung Quốc chỉ coi trọng “lễ”, tôn ti trật tự, mà không coi trọng lý lẽ, sự thật, đúng sai hay lẽ phải trái. Đối diện với chế độ toàn trị mà về cơ bản không nói lý lẽ, làm sao người dân Trung Quốc có thể không sợ hãi? Sợ quyền lực vô lý tức là sợ cái ác, và nỗi sợ cái ác của người Trung Quốc là sản phẩm tất yếu của lịch sử trung cổ kéo dài. Về điểm này, người Trung Quốc không thể so sánh với dân tộc Do Thái với đức tin của họ vào Do Thái giáo, cũng như không thể so với người phương Tây với niềm tin Ki-tô giáo. Họ đều có tinh thần chống lại cái ác mạnh mẽ hơn người Trung Quốc. Người Trung Quốc không có đức tin mạnh mẽ vào thần, thì cũng không thể có tinh thần kháng cự cái ác. Tương tự, họ cũng không thể so với người Hy Lạp cổ đại và người phương Tây hiện đại, những người có niềm tin vào chân lý. Tóm lại, do thiếu tinh thần tính ngưỡng chân chính và tinh thần tìm kiếm kiến thức chân chính, người Trung Quốc tất yếu chịu khuất phục dưới quyền lực chuyên chế bất công trong suốt hơn 2000 năm. Thời gian chịu đựng đó quá dài, dài đến nỗi khiến người ta nghi ngờ liệu quá trình chịu đựng nhục nhã lâu dài ấy có ảnh hưởng đến di truyền của người Trung Quốc hay không. Phải chăng gene sợ cái ác trong người Trung Quốc nhiều hơn ở người phương Tây, và thói quen “ức hiếp người tốt” lại chính là biểu hiện khác của “sợ kẻ ác”.
Một mặt, việc ức hiếp người tốt chính là sự khẳng định cho nỗi sợ kẻ ác. Câu “người tốt thì có kẻ ức hiếp, ngựa lành thì có người cưỡi” hay “cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép” chính là minh chứng cho điều này. Những người sợ kẻ ác đã mất đi sự tự trọng của nhân cách, tự xem mình như một thành viên trong thế giới động vật và cho rằng điều này là hiển nhiên. Họ chuyển nỗi sợ hãi trước những kẻ mạnh hơn sang việc trút bỏ chính những điều ác đó lên những người yếu đuối hơn. Phần lớn việc ức hiếp người tốt của người Trung Quốc thuộc về dạng này. Chẳng hạn, người chồng khi bị áp bức ngoài xã hội, về nhà trút giận lên vợ con, hay một viên chức bị cấp trên khiển trách lại quay về sỉ nhục cấp dưới. Đây là hiện tượng “ức hiếp người tốt, sợ kẻ ác” thường thấy.
Ngoài ra, việc ức hiếp người thiện cũng có thể xem là một sự phản kháng lệch lạc của nỗi sợ hãi kẻ ác, hoặc là lợi dụng cơ hội để trả thù. Có những trường hợp người ta chỉ đơn giản là trút giận, bộc lộ sự ghen tức của mình, còn được gọi là “đánh con hổ đã chết” hoặc “mọi người cùng đẩy khi bức tường đã đổ”. Sự cuồng nhiệt của người Trung Quốc khi “đánh con hổ đã chết” thực sự rất đáng sợ và thường bộc lộ một cách tàn nhẫn. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, những cán bộ bị đấu tố đã phải chịu đựng đủ loại cực hình, phần lớn xuất phát từ sự oán hận mà các cấp dưới hay quần chúng tích tụ từ trước. Nhìn chung, mỗi lần có phong trào chính trị xảy ra thì lại khiến quốc gia hao tổn sinh lực, lãng phí tài năng, gây thiệt hại cho lợi ích của đất nước và dân tộc. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là sự tồn tại của thói xấu “ức hiếp người thiện, sợ kẻ ác” trong bản tính con người Trung Quốc.
Để người Trung Quốc có thể loại bỏ tính xấu “ức hiếp người thiện, sợ kẻ ác” trong bản thân, điều quan trọng nhất là phải nuôi dưỡng lòng tự trọng trong nhân cách của mình. Có hai con đường để nuôi dưỡng điều này: thứ nhất là kiên định niềm tin vào chân lý vĩnh hằng và tối cao; thứ hai là không ngừng theo đuổi kiến thức về tự nhiên, xã hội và đặc biệt là kiến thức về pháp luật.
Đối với một dân tộc, để có thể triệt tiêu tính xấu “ức hiếp người thiện, sợ kẻ ác” trong tính cách dân tộc, điều quan trọng nhất là phải nhận thức rõ mối quan hệ cộng sinh giữa sự áp bức của chế độ toàn trị với sự thấp hèn của nhân cách.
Đọc tiếp chương 27: Tại sao nhiều trẻ em Trung Quốc hiện đại không nghe lời?