Từ xưa đến nay, lòng hiếu thảo của người Trung Quốc là lòng hiếu thảo chân chính, nhưng lòng trung thành là lòng trung thành giả tạo. Lịch sử lâu đời của Trung Quốc đã chứng minh rõ ràng điều này. Trong lịch sử hơn 2.000 năm thời Trung cổ, hầu hết mọi thứ còn sót lại trong xã hội quan trường đều đầy dối trá và lừa gạt, những lời nói dối trá, sự việc dối trá, con người dối trá, chừng nào còn gắn liền với chủ nghĩa toàn trị thì gần như không thể không giả dối.
Nhưng có một điều mà tôi tin chắc về cơ bản là rất thật, đó là lòng hiếu thảo của con người đối với cha mẹ. Con cái yêu thương cha mẹ là điều đương nhiên và tự nhiên, chưa kể điều đó đã được các vị Thánh nhân Trung Quốc cổ đại khẳng định trong hệ thống lễ nghi.
Trước tiên hãy nói sơ qua về điều này. Cũng đều là hoàng tộc – quân chủ chuyên chế, nhưng ở Trung Quốc việc thay đổi triều đại, đổi họ là chuyện bình thường. Nếu một họ có thể nắm quyền từ hai đến ba trăm năm được coi là may mắn. Về mặt này, các triều đại Trung Quốc không thể dài bằng Thiên Hoàng Nhật Bản, cũng không dài bằng hoàng gia Anh. Còn có một điểm nữa có lẽ càng khiến người dân Trung Quốc cảm thấy xấu hổ hơn, đó là lịch sử Trung Quốc về cơ bản là lịch sử liên tục đầu hàng ngoại bang, thậm chí là liên tục mất nước. Bắt đầu sớm nhất là khi nhà Chu tiêu diệt triều đại Ân Thương, đó thực ra là cuộc chinh phục của dân tộc thiểu số ở biên cương đối với người Trung Quốc ở Trung Nguyên. Sau đó, nhà Tần ở Tây Dung đã tiêu diệt sáu quốc gia ở Trung Nguyên để thống nhất Trung Quốc. Nhà Hán có thể được coi là một triều đại chính thống của Trung Quốc, nhưng vào cuối triều đại nhà Hán, các triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều đều bị thống trị bởi người Tiên Ti. Đến các triều đại nhà Tùy và nhà Đường sau này, người Tiên Ti cũng là người làm hoàng đế. Dương Kiên của nhà Tùy và Lý Uyên của nhà Đường đều thuộc nhóm quý tộc Quan Long, và cả hai đều rõ ràng là người gốc Tiên Ti.
Đến thời Ngũ đại Thập quốc vào cuối thời nhà Đường, tộc người Sa Đà đã lần lượt xưng đế, (ND: một bộ lạc Tây Đột Quyết sinh sống theo lối du mục ở khu vực đông nam bồn địa Chuẩn Cát Nhĩ thuộc Tân Cương) (Lý Khắc Dụng, Lý Tồn Úc, Thạch Kính Đường, Lưu Tri Viễn…). Phải cho đến khi một người Hán là Triệu Khuông Dẫn chấm dứt thời kỳ khó khăn này và thành lập nhà Tống. Tuy nhiên, vào thời Bắc Tống, miền Bắc Trung Quốc lại bị Tây Hạ, Liêu và Kim quấy rối. Cuối cùng, quân Kim xâm chiếm miền Nam. Bắc Tống bị tiêu diệt và Nam Tống tương đối yên bình. Sau thời Nam Tống, quân Mông Cổ thống trị vùng Trung Nguyên và được gọi là nhà Nguyên. Sau nhà Nguyên có triều đại nhà Minh của Chu Nguyên Chương là triều đại của người Hán, nhưng sau đó lại bị dân tộc thiểu số khác là Mãn Châu đến thống trị Trung Quốc, tức là nhà Thanh. Sau nhà Thanh là thời kì Dân Quốc, nơi các lãnh đạo quân sự người Hán không chịu nhượng bộ lẫn nhau. Thưa quý độc giả, sau khi điểm lại lịch sử thay đổi triều đại ở Trung Quốc này, bạn có suy nghĩ gì? Thực ra, kể từ Khổng Tử, nhà hiền triết thời tiền Tần, người ta đã có câu nói “Chim khôn chọn cây làm tổ, người khôn chọn chủ mà thờ.” Thần trung thành phải thờ vua sáng suốt. Không có vua sáng suốt, thì thần có trung thành không? Điều quan trọng là những người dân biết vâng lời của Trung Quốc. Dù ai trở thành hoàng đế, dân thường cũng sẽ không có được nhiều thứ ngon để ăn, vì vậy tất cả đều giống nhau. Điều duy nhất người Trung Quốc lo sợ là sự hỗn loạn. “Thà làm một con chó trong hòa bình còn hơn là một người trong thời loạn.” Ai có thể ổn định tình hình càng sớm thì sẽ là người bảo vệ nhân dân Trung Quốc. Còn việc người đó là người Tây Nhung, Tiên Ti, Sa Đà, Khiết Đan, Nữ Chân hay người Mông Cổ đâu có gì quan trọng? Từ xa xưa, người Trung Quốc đã coi từ “trung thành” chỉ là một lời nói suông. Cũng giống như trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, người Trung Quốc đã hát những bài hát về từ “trung thành”, múa về từ “trung thành”, nhưng cuối cùng từ “trung thành” ở đâu?
Hiếu là đối với cha mẹ đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta là điều tất nhiên; trung là đối với quân vương áp bức ta và bắt nạt ta, đó là điều vô lý cả về tình và lý. Thánh nhân Khổng Tử muốn kết hợp hai thứ hoàn toàn khác nhau này lại với nhau. Ông cho rằng “quân quân thần thần, phụ phụ tử tử”, có nghĩa là vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con. Ông cũng muốn tìm trung thần từ những người con hiếu thảo, vì vậy ông cho rằng “hiếm có người hiếu thuận mà lại thích xúc phạm cấp trên; hiếm có người không thích xúc phạm cấp trên mà lại thích gây náo loạn”. Vậy những người hiếu thuận với cha mẹ sẽ không xúc phạm cấp trên phải không? Lại phải hỏi cấp trên là gì? Đó là ông chủ. Cha mẹ tử tế và yêu thương ta nên tất nhiên ta phải hiếu thảo; ông chủ của ta đối với ta có quyền có uy, ông ấy lấy bạo lực làm chỗ dựa nên ta vì sợ hãi mà không dám xúc phạm. Điều này có ý nghĩa hoàn toàn khác với việc sợ cha mẹ vì ta yêu cha mẹ mình. Vì vậy mà so sánh giữa hai việc này chẳng phải là ngớ ngẩn sao! Trong hơn 2.000 năm, chưa ai từng đặt câu hỏi về câu nói “vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con” của Khổng Tử. Ngược lại, Nho giáo nhà Tống đã nâng sự tương đồng phi lý này lên thành “nguyên lý tự nhiên”. So với các tiên đề hình học của người Hy Lạp cổ đại, hay tư tưởng của người Do Thái cổ rằng “mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế”, thì mức độ tư tưởng và sự logic chẳng phải là hoang đường rõ ràng hay sao! Thực ra, người Trung Quốc giống như người câm ăn thuốc đắng, không dám nói ra miệng, nhưng trong lòng lại biết rất rõ. Nếu người nói hiếu thảo, ta hoàn toàn đồng ý; Nếu người nói trung thành, ta giả vờ ủng hộ. Thực tế thì ai mà không biết rõ điều đó trong lòng? Đây là sự khôn ngoan đáng thương của người dân Trung Quốc dưới sự cai trị toàn trị.
Chính vì lý do này mà hầu hết người Trung Quốc đều có gia đình nhưng không có đất nước. Trong mắt họ, đất nước như hoàng đế, trời ở cao và hoàng đế ở xa, khác hẳn so với gia đình. Gia đình là đơn vị cơ bản mà con người dựa vào để sinh tồn, nhưng đất nước giống như một chính phủ đập xương, hút tủy, khiến người ta sợ hãi tránh né, không ai dám chủ động đến gần. Cố Viêm Vũ vào cuối thời nhà Minh và đầu nhà Thanh đã đề xướng tư tưởng “Thiên hạ” và muốn dùng “Thiên hạ” để thay thế “Đất nước” (ND: Nói cách khác là đề xướng “Chúng trị” – cai trị tập thể thay cho “Độc trị”), tức là “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (Người dân bình thường cũng phải có trách nhiệm đối với sự hưng vong của thiên hạ). Ông giải thích thêm rằng “thiên hạ này là thiên hạ dành cho tất cả mọi người”. Vậy rồi tư tưởng này có tác dụng gì không? Đối với người dân Trung Quốc, chẳng ai quan tâm gì đến thiên hạ với đất nước cả. Người Mãn Châu cai trị Trung Quốc, còn người dân Trung Quốc là những người dân vâng lời. Nên đổ lỗi cho ai? Có nên đổ lỗi cho những người dân bình thường không? Người dân đã được gì dưới sự cai trị toàn trị của nhà Minh? Quyền lực của một người đơn độc có liên quan gì đến những người dân bình thường? Nếu những người bình thường phải chịu ít đau khổ hơn từ người thống trị thì đã là cảm ơn trời lắm rồi.
Tác giả đã đề cập trước đó trong cuốn sách này rằng có ba yếu tố cơ bản thể hiện sự gắn kết của một xã hội. Một là quyền lực, hai là tiền bạc và thứ ba là kiến thức. Do nền kinh tế tự nhiên sản xuất nông dân quy mô nhỏ nên tính phổ biến của thương mại ở Trung Quốc thời trung cổ cực kỳ kém phát triển, sự lưu thông hàng hóa và tiền tệ rất hạn chế, đồng tiền chưa phải là yếu tố cơ bản trong việc tổ chức xã hội. Ngoài ra, do chính sách ngu dân nên đại đa số người dân về cơ bản mù chữ, hiểu biết về xã hội, chính trị, đạo đức… cũng rất hạn chế nên kiến thức cũng không phải là yếu tố cơ bản của tổ chức xã hội. Mặc dù việc sử dụng chữ Hán là yếu tố tuyệt đối không thể thiếu đối với việc thống nhất Trung Quốc, nhưng yếu tố duy nhất còn lại để tổ chức xã hội chính là quyền lực. Tuy nhiên, dưới chế độ toàn trị Trung Quốc thời trung cổ, quyền lực về cơ bản chỉ thể hiện tính răn đe đối với người dân Trung Quốc chứ hiếm khi thể hiện sức liên kết. Ngoại trừ một số rất nhỏ học giả tham gia khoa thi triều đình có thể bước vào giai cấp quyền lực, đại đa số người dân đều sợ phải trốn tránh chính quyền chứ đừng nói đến việc tích cực tham gia quyền lực. Quyền lực giống như dấu hiệu đầu hổ trong nha môn, hung dữ và đáng sợ như vậy, làm sao có thể thu hút được “lòng trung thành” của người dân? Điểm này thực tế đã được chỉ ra trước đây khi nói về lý do tại sao người Trung Quốc lại sống rải rác. Sự bất trung của người dân Trung Quốc cũng xuất phát từ sự mất đoàn kết của người dân Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là câu trả lời cho việc tại sao người Trung Quốc liên tục bị mất nước và biến thành nô lệ trong lịch sử. Nhưng người Trung Quốc không mất quê hương mãi mãi sau khi trở thành nô lệ, các bạn độc giả có muốn biết điều kỳ lạ này không?
Đọc tiếp chương 20: Tại sao tổ quốc của người Trung Quốc ngày càng lớn?