Trong thể chế xã hội, người Trung Quốc rất sớm đã lựa chọn chế độ chính trị quân chủ chuyên chế thế tục (không tôn giáo). Điều này không chỉ đúng từ khi Tần Thuỷ Hoàng nhất thống Trung Quốc, mà từ sớm hơn, từ thời Hạ, Thương, Chu cũng đã như vậy. Từ khi Đại Vũ (hay Hạ Vũ, vua sáng lập nhà Hạ) xác lập chế độ cha truyền con nối, Trung Quốc đã trở thành xã hội quân chủ chuyên chế, lấy quyền lực công cộng coi như tài sản của mình và truyền đời cho con cháu. Cái gọi là “phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, xuất tổ chi tân, mạc phi vương thần” (khắp dưới gầm trời, đâu chẳng là đất của vua; người sống trên đất ấy, ai chẳng là thần dân của vua) chính là như thế. Liên quan đến vấn đề về lựa chọn thể chế từ khi bắt đầu và khi đã chọn được thể chế, tại sao người Trung Quốc không còn có thể thay đổi nó, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này ở phần tiếp theo.
Trong phần này sẽ giải quyết vấn đề đó là trong hơn 3000 năm qua, đặc biệt là 2000 năm từ khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, các nhà thống trị trong các triều đại Trung Quốc rốt cuộc đã lựa chọn tư tưởng (hoặc hình thái ý thức) thống trị nào, lựa chọn đó đã sinh ra hậu quả như thế nào, tạo sao chúng chắc chắn tạo ra một Trung Quốc vô học và khiến người Trung Quốc khó có thể thoát ra hậu quả nghiêm trọng của nó, đó là sự ngu dốt.
Đầu tiên, chúng ta bàn xem trong lĩnh vực tư tưởng của Trung Quốc cổ đại rốt cuộc có các trường phái tư tưởng có thể lựa chọn nào.
Từ năm 800 trước công nguyên đến năm 200 sau công nguyên, nhà triết học người Đức Karl Jaspers gọi một ngàn năm đó là trục chính của nền văn minh nhân loại, đặc biệt là trong giai đoạn trước và sau năm 500 trước công nguyên, gần như đồng thời ở phương Đông và phương Tây đã xuất hiện rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại được xưng là tiên tri, triết gia, thánh nhân, như Elijah của Do Thái, Socrates, Plato, Aristotle của Hy Lạp, Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử của Trung Quốc, Phật Thích Ca của Ấn Độ, v.v. Trục của nền văn minh nhân loại nói trên trùng với thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc và sau đó là Tần, Hán ở Trung Quốc. Trong lịch sử 3000 năm có văn tự ghi chép của Trung Quốc, chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi 500 năm thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời đại mà người Trung Quốc được tự do học, tự do ý kiến. Chính vì thế, nó mới trở thành thời đại có tính sáng tạo nhất trong văn hoá của lịch sử Trung Quốc, tạo nên tinh thần và sắc thái dân tộc Trung Hoa trong nền văn hoá Trung Quốc. Thời đại này cũng là thời đại mà bách gia chư tử tranh đua. Thời kì này cũng chính là thời băng hoại của nhà Đông Chu, thời buổi loạn lạc, các quốc gia hỗn chiến, nhưng cũng chính thời loạn lạc này đã mang đến cho các bậc tiền nhân của Trung Quốc thời gian và không gian sáng tạo văn hoá tốt nhất.
Chư tử bách gia, theo ‘Hán thư’ là “chư tử 189 gia” được gọi chẵn là “Chư tử bách gia”, trong đó đặc biệt gồm có Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Dương Chu, Hứa Hành, Thương Ương, Thân Bất Hại, Mạnh Tử, Tuân Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử, Huệ Thi, Công Tôn Tử, Điền Biền, Thận Đáo, Tống Hình, Doãn Văn, Quan Doãn, Trâu Diễn, Trương Nghi, Tô Tần, Lã Bất Vi, Tôn Võ, Ngô Khởi, Tôn Tẫn, v.v. Nhưng có thể nói một cách khái quát như Tư Mã thời Hán sơ, đó là gồm 6 nhà: Âm dương, Nho, Mặc, Pháp, Danh, Đạo, hoặc nói như Lưu Hâm thời Tây Hán và Ban Cố thời Đông Hán, đó là có 10 nhà, ngoài 6 đã nói ở trên còn có Tung hoành, Tạp, Nông, Tiểu thuyết, hoặc nếu bỏ Tiểu thuyết gia thì gồm 9 nhà, nhưng trong đó dường như thiếu nhà Binh.
Nhìn vào lịch sử tư tưởng trong hơn 2000 năm, tôi cho rằng có ảnh hưởng thực sự sâu sắc đến lịch sử Trung Quốc chỉ có ba nhà: Nho, Pháp và Đạo. Trong thời kỳ tiên Tần, mặc dù học thuyết của Dương Chu, Mặc Tử cũng là học thuyết nổi tiếng, nhưng trong lịch sử sau này của Trung Quốc nó đã không còn trong tầm mắt của giới thống trị, thậm chí mất đi mãi mãi giá trị tồn tại của mình, và hậu thế của Trung Quốc đã lãng quên nó. Sau triều đại Đông Hán, có thêm Phật gia. Do đó tôi cho rằng trong lịch sử lâu dài hơn 2000 năm, chỉ có 4 thành phần tư tưởng có thể lựa chọn cho người Trung Quốc: Nho, Pháp, Đạo và Phật. Đây cũng là lựa chọn mà giới thống trị chuyên chế Trung Quốc đã chọn cho người Trung Quốc. Trong đó nổi bật nhất là Nho giáo, đặc biệt là sau khi Hán Vũ Đế xác lập “Nho giáo độc tôn”. Ngoài ra, chế độ khoa cử phát triển từ thời Tuỳ, Đường đã giúp Nho giáo lũng đoạn nền giáo dục và được truyền bá độc quyền trong giới văn nhân Trung Quốc.
Mặc dù các tư tưởng của Nho, Pháp, Đạo và Phật là khác nhau, nhưng ở một mức độ nào đó chúng giống nhau ở chủ nghĩa phản trí thức hay là chủ trương ngu dân (tức làm cho con người trở nên ngu dốt). Chính vì thế mà nó được giới thống trị chuyên chế ưa chuộng.
Thời Tần và Hán là thời đại mà thể chế xã hội Trung Quốc được xác lập và định hình, do đó, Tần Thủy Hoàng được các văn nhân trong quá khứ gọi là “Tổ Long”. Tần Thủy Hoàng đã dựa vào tư tưởng Pháp gia để giành thắng lợi cuối cùng, tiêu diệt sáu quốc gia và thống nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đời ngắn ngủi của nhà Tần đã thúc đẩy những người cầm quyền của triều đại Tây Hán chuyển sang tư tưởng Hoàng Lão (Đạo gia). Dưới thời Hán Vũ Đế, Đổng Trọng Dư đã khởi xướng kế sách “Gạt bỏ bách gia, chỉ còn Nho giáo độc tôn”. Kể từ đó, lấy Nho giáo là cốt lõi, và hệ tư tưởng của Nho, Pháp và Đạo là ba mặt của một thể thống nhất xuyên suốt lịch sử Trung Quốc trong hơn hai nghìn năm. Nó đã trở thành trung tâm nhất quán của hệ thống chính trị và học thuật Trung Quốc cho đến khi nhà Thanh sụp đổ. Tuy nói nó đã bị chấm dứt cùng với sự sụp đổ của nhà Thanh, nhưng trên thực tế, trong một trăm năm lịch sử gần đây, âm hồn của truyền thống “ngu dân” này vẫn còn mãi không tan. Phật giáo bắt đầu được các nhà thống trị coi trọng từ thời nhà Đường. Đường Thái Tông tôn trọng Đạo giáo và coi Lão Tử là “Huyền viễn Hoàng đế” (Vua của sự sâu xa). Nhưng ông cũng coi Huyền Trang là báu vật quốc gia và không coi thường Phật giáo. Coi trọng Phật giáo nhất phải kể đến triều đại của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Các triều đại sau tuy cũng đối xử tốt hoặc ít nhất là khoan dung đối với Phật và Đạo, nhưng được coi trọng nhất chính là Nho và Pháp. Người cai trị miệng nói Nho gia, nhưng tay làm theo Pháp gia. Tuy nhiên, tâm trí có thể nghĩ về Đạo gia hoặc Phật gia. Bởi vì giới thống trị ai cũng muốn trường sinh bất lão, vạn thọ vô cương, vì vậy luôn muốn nhận được giúp đỡ của Thần Phật.
Trong xã hội chuyên chế Trung Quốc hơn 2000 năm qua, có một câu nói nổi tiếng là: “Vua muốn thần chết, thần không thể không chết”. Nhưng trên thực tế, trong lịch sử lâu dài, mọi người càng nên nhớ câu sau: “Vua muốn dân ngu, dân không thể không ngu”. Nói cách khác, sự ngu dốt của người dân Trung Quốc trong quá khứ thực sự là do mong muốn của giới thống trị tạo thành. Các nhà thống trị trong quá khứ đã lựa chọn tư tưởng ngu dân của Nho, Pháp, Đạo, Phật dồn hết vào bộ não của người Trung Quốc (đương nhiên đầu tiên là giới văn nhân), khiến người Trung Quốc không thể “thông minh”. Đối với vấn đề này còn điều gì nghi ngờ chăng?
Nho gia làm ngu dân ở chỗ những học thuyết của nó chỉ dạy mọi người làm người, không dạy mọi người làm việc, đặc biệt là không dạy mọi người lao động sản xuất, và nói rõ rằng “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” (Có thể làm cho dân theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là cái gì). Tư duy Nho giáo rõ ràng là sự độc đoán của Thánh nhân, chỉ muốn con người ghi nhớ, không cần lý giải, suy lý, càng không thể thúc đẩy con người sáng tạo cái mới. Cái dạy của Nho gia là dạy con người “nhập thế”, tức là tiến vào con đường quan lộ, vì thế mà nói “học tức là để làm quan”. Cảnh giới cao nhất của cái học của Nho gia là làm “Thánh”. Giới thống trị chuyên chế đã sử dụng văn nhân để tuyên truyền, giáo dục, chữ “Thánh” này rõ ràng đã bị các quân vương, hoàng đế lạm dụng. Thời kỳ tiền Tần Thánh nhân là những nhà tư tưởng vĩ đại, đến thời Tần Hán trở về sau, thánh nhân rõ ràng là vua, tức gọi là “thánh quân”, “thánh thượng”, đó chính là hậu quả tất yếu của học thuyết Nho giáo với chủ trương “Thượng tri hạ ngu” (trên biết dưới ngu).
Cái ngu dân của Pháp gia so với Nho gia càng trần trụi và thiếu nhân đạo. Nho giáo vẫn chủ trương “Nhân giả ái nhân” (người nhân từ là yêu con người), và thậm chí do đó còn chủ trương rằng “nhân tính bản thiện” (bản chất con người là tốt), trong khi Pháp gia chủ trương “nhân tính bản ác” (bản chất con người là xấu), vì vậy vua đối đãi với người dưới phải “thưởng công phạt tội” một cách nghiêm khắc. Giống như Hàn Phi đã nói, vua trị nước phải “Bất vụ đức nhi vụ pháp” (không dựa vào đạo đức mà dựa vào luật pháp), “Bất dưỡng ân ái chi tâm, nhi tăng uy nghiêm chi thế” (không nuôi dưỡng trái tim ân ái, mà phải làm tăng sự uy nghi của quyền lực), “Dụng pháp chi tương nhẫn, nhi khí nhân nhân chi tương liên” (sử dụng pháp luật phải nhẫn tâm, phải vứt bỏ sự tình thương con người). Thời Xuân Thu Chiến Quốc phát triển tư học, tư nghị (tự do học thuật, tự do ý kiến), nhưng đến thời Tần trở đi, Pháp gia đã thay đổi đến “học để làm quan”, thậm chí còn dứt khoát chủ trương “lấy quan làm thầy”. Hàn Phi coi “học giả”, “người kể chuyện” là đứng đầu của “ngũ đố” (5 con mọt – 5 mối tai hoạ) và ủng hộ việc loại bỏ. Pháp gia hiểu rằng “Phòng dân chi khẩu, thậm vu phòng xuyên” (ngăn miệng dân còn nguy hại hơn chặn dòng nước gây ngập lụt), vì vậy điều quan trọng hàng đầu trong biện pháp của giới thống trị đó là phải kiềm chế tư tưởng, tự do ngôn luận của người dân. Nhà Pháp gia (Trương Ương) còn phát minh ra phương pháp sử dụng sự đấu tố lẫn nhau của người dưới, và tố cáo lên cấp trên nhằm nâng cao sự uy nghiêm của vua. Sức mạnh chính trị của Pháp gia là một thứ vũ khí khó vứt bỏ mà các nhà thống trị Trung Quốc đã sử dụng trong hơn 2000 năm qua.
Cái ngu dân của Đạo gia nằm trong chủ trương “tuyệt thánh khí trí” và “tự nhiên vô vi” (người dịch: Vô Vi là tư tưởng thông suốt trong Đạo đức kinh của Lão Tử, có thể hiểu đơn giản rằng mọi thứ trong trời đất đều vận hành theo quy luật, vì vậy con người không nên làm những gì đi ngược lại quy luật đó; mặt khác, nếu con người khéo léo làm việc theo quy luật tự nhiên thì sẽ dễ dàng đạt được kết quả. Tuy nhiên, cái thiếu sót của Lão Tử cũng như phần lớn các Thánh nhân là không giúp, cũng như không hướng con người tìm ra và thấu hiểu những quy luật tự nhiên ấy). Mặc dù Đạo giáo cũng chủ trương vua “vô vi nhi trị” (lấy vô vi mà trị), nhưng đối với người dưới, nó cũng ủng hộ sự “ngu dốt”. Như Lão Tử đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi. Dân chi nan trị, dĩ kỳ trí đa. Cố dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc. Bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc. Tri thử lưỡng giả diệc khải thức. Thường tri khải thức thị vị huyền đức.” (Phần này chủ trương trị dân không nên kích thích thị dục, thị hiếu của dân, làm cho dân trở nên gian ngoan xảo trá, mà phải giữ cho dân được luôn phác thực. Dân mà xảo trá sẽ khó cai trị, như vậy nước sẽ loạn ly. Nếu giữ cho dân sống thanh thản v à thuần phác, dân chúng sẽ tròn tín nghĩa với nhau. Dân thuần phác sẽ đối đãi với nhau trung thực. Dân xảo trá sẽ đối đãi với nhau điêu ngoa. Mà lý tưởng của đời sống xã hội chính là đối với nhau cho trung thực, tránh mọi sự điêu ngoa. Chính vì thế mà Lão tử luôn cổ súy một đời sống hồn nhiên thuần phác.)
Cái ngu dân của Phật gia nằm trong tư tưởng “Chư pháp vô thường”, “Chư pháp vô ngã”, “Vạn pháp giai không”, “Niết bàn tịnh tĩnh”, “Lục đạo luân hồi”. Niềm tin vào “Lục đạo luân hồi” (Sáu đường luân hồi: Thiên, Nhân, A-Tu-la, Ngạ quỷ – ma đói, Súc sanh, Địa ngục) khiến mọi người chú trọng việc tu tập “kiếp sau” và “chuyển kiếp” mà coi thường việc đấu tranh cho thực tế của cuộc sống hiện tại. Tư tưởng này dường như chủ trương giúp con người từ bỏ cuộc sống tiêu cực của thế giới này, căn bản không thể giúp nhân loại phát triển trí tuệ thông qua việc khám phá, phát minh và sáng tạo ra những điều mới, mà chỉ có thể ngược lại, khiến mọi người trở nên ngu dốt và dễ bị người khác lừa.
Phân tích một cách nghiêm túc, trong số các trường phái tư tưởng thời kỳ tiền Tần, chỉ có tư tưởng của Mặc gia có thể giúp người Trung Quốc thay đổi. Đối với những tư tưởng của Mặc gia như “Thượng hiền”, “Thượng đồng”, “Kiêm ái”, “Phi công”, “Phi mệnh”, “Phi lạc”, “Thiên chí”, “Minh quỷ”, v.v. chúng ta không cần phân tích từng chữ mà nên phân tích các thành phần xã hội từ những đệ tử của Mặc Tử.
Trong phần trước chúng ta đã đề cập đến hai mối cản trở lớn đối với sự biến đổi của người Trung Quốc trong một lịch sử lâu dài, một là sự tách rời giữa não và tay, hai là sự tách rời giữa học và thuật. Thứ nhất tức là các văn nhân của Trung Quốc truyền thống về cơ bản không có trực tiếp trải nghiệm thiên nhiên và lao động sản xuất. Thứ hai đó là các văn nhân Trung Quốc truyền thống chỉ có thuật mà không có học, tức là chỉ có mô tả biểu hiện của sự vật mà không có lý luận rõ ràng, không có suy lý logic, càng không có sự xây dựng một hệ thống khái niệm trừu tượng để sáng tạo cái mới. Nói rõ hơn, các văn nhân Trung Quốc truyền thống hoàn toàn không quan tâm đến quy luật tư duy – khám phá logic.
Phần trên đã nói đến Nho gia, Pháp gia và Đạo gia, phương pháp tư duy của chúng về cơ bản đều là độc đoán theo chủ quan trực giác, và không được kết cấu bởi tư duy lý luận. Đạo gia thực ra cũng có một phần công tích trong việc hình thành học thuyết Âm dương ngũ hành, nhưng phương pháp tư duy của Đạo gia về cơ bản vẫn còn thiếu logic. Theo các học giả sau này, Nhân Minh học của Phật gia cũng có một kiến thức nhất định về suy lý logic, nhưng tôi tin rằng sự rườm rà của kiến thức logic trong Nhân Minh học gần như đã nhấn chìm sự sáng tỏ của quy luật tư duy. Vì vậy, người Trung Quốc, người Ấn Độ hoặc người Nam Á khác mặc dù có kiến thức logic của Nhân Minh học vẫn không thể tạo ra được các lý thuyết của khoa học hiện đại.
Căn cứ vào các thành quả nghiên cứu của các học giả hiện đại về học thuyết Mặc gia, tôi tin rằng những tư tưởng của Mặc gia có khả năng lấp đầy hai cản trở kể trên. Do đó, nếu tổ tiên của Trung Quốc trong hơn 2000 năm quá khứ có thể lựa chọn và phát triển không ngừng tư tưởng Mặc gia, thì có khả năng Trung Quốc đã có thể dần dần phát triển một hệ thống tri thức tương tự như khoa học hiện đại. Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, và đó là một giả thuyết mà trên thực tế hầu như không thể có được bằng chứng. Bởi vì sau thời tiền Tần, trong hơn 2000 năm, chính người Trung Quốc đã gần như từ bỏ hoàn toàn sự kế thừa của Mặc gia. Mặc gia sớm đã trở thành một môn tuyệt học cách đây hơn 2000 năm, và có thể nói rằng về sau càng có thể phát dương quang đại!
Tại sao nói Mặc học có thể lấp đầy hai cách ngăn đã nói đến ở trên?
Đầu tiên, Mặc Tử khác với Lão Tử, Khổng Tử, Hàn Phi Tử, và đa số các học giả sau này là tất cả những người này không tham gia lao động sản xuất cụ thể, trong khi bản thân Mặc Tử là một công nhân thủ công, tham gia lao động thực tế. Do đó, “Hiền” và “Năng” trong chủ trương của Mặc Tử không chỉ bao gồm kiến thức và tài năng làm người, trị người mà còn cả kiến thức và tài năng làm việc và trị việc. Vì lý do này, sách của Mặc Tử không chỉ thảo luận về kiến thức nhân sự, mà còn thảo luận về kiến thức vật lý, như cơ giới, quang học và cơ học, v.v, những kiến thức kiểu như vậy không thể tìm thấy trong lời dạy của các học giả khác thời kỳ tiền Tần.
Thứ hai, trong Mặc học có tri thức logic. Theo nghiên cứu và giới thiệu của các chuyên gia Mặc học (như Dương Hướng Khuê, Từ Hy Yên, v.v.), hình thức tri thức logic trong Mặc học không kém Aristotle, mà nó còn sớm hơn Aristotle. Kiến thức logic trong Mặc học không cồng kềnh như kiến thức logic trong Nhân Minh học, vì vậy có thể phát triển đến trừu tượng hoá, hình thức hóa và thậm chí là toán học và vật lý hoá. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một phỏng đoán, một phỏng đoán không thể được chứng minh bằng thực tế, nhưng nó có khả năng và có thể lý giải dễ dàng.
Bất chấp những điều kể trên, người Trung Quốc trong lịch sử, đặc biệt là giới thống trị chuyên chế trong lịch sử đã không chọn tư tưởng Mặc gia làm tư tưởng chính của họ. Điều này rất dễ lý giải là do địa vị của Mặc Tử là giai cấp lao động, giới thống trị không bao giờ có thể chọn tư tưởng của ông. Đổi lại là chúng ta ngày hôm nay, nếu chúng ta là người cai trị vào thời đó, chúng ta sẽ chỉ chọn Nho gia, Pháp gia, Đạo gia, và thậm chí là Phật gia, mà sẽ không bao giờ chọn Mặc gia. Đây là bản chất của con người, đặc biệt là bản chất giai cấp của con người. Ngay cả các nhà thống trị cổ đại phương Tây lựa chọn một trường phái triết học hoặc thần học nào đó, họ cũng nhất định không bao giờ để cho giai cấp bị trị có thể đứng lên. Cần biết rằng ngay cả nền dân chủ của người Hy Lạp cổ đại cũng chỉ liên quan đến những người tự do trong thành phố, mà không bao giờ dành cho nô lệ và người xứ khác chiếm đa số lao động, hoặc thậm chí là phụ nữ của họ. Bản chất của giới thống trị là như vậy, tính giai cấp là như vậy, thật không khó để lý giải.
Trong hơn 2000 năm qua, giới thống trị các triều đại Trung Quốc đã không chọn Mặc gia, trường phái có thể giúp người Trung Quốc đứng dậy. Thay vào đó, họ đã chọn Nho gia, Pháp gia, Đạo gia và Phật gia với chủ trương ngu dân. Đây là điều tất nhiên của bản chất con người và giai cấp, không thể tránh khỏi. Karl Marx đã dạy chúng ta rằng hệ tư tưởng của xã hội thực ra là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Hệ tư tưởng lấp đầy trong xã hội hơn 2000 năm đã muốn người dân Trung Quốc phải ngu dốt, vậy làm sao người dân Trung Quốc có thể không ngu dốt? Do đó, thật dễ dàng để chứng minh tiêu đề của phần này: Sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất yếu của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của các triều đại phong kiến thống trị. Theo lời của Karl Marx và Friedrich Engels, những người sáng lập ra chủ nghĩa Marx vĩ đại mà người Trung Quốc chúng ta đã ngưỡng mộ trong hơn nửa thế kỷ, để thúc đẩy người dân trở nên thông minh thì quyền bày tỏ tư tưởng, tự do ngôn luận như “tự do xuất bản, tự do tổ chức đoàn thể, tự do mít-tinh” chính là “đất, không khí, ánh sáng”. Nếu không có những quyền tự do này, “mọi thứ đều là lời nói trống rỗng” (‘Karl Marx và Friedrich Engels toàn tập’, quyển 1, trang 78). Nói cách khác, các nhà thống trị chuyên chế trong các triều đại của Trung Quốc đã lựa chọn hệ thống tư tưởng để làm cho người Trung Quốc trở nên ngu dốt, hoàn toàn cướp đi “đất, không khí, ánh sáng” mà người Trung Quốc có thể dựa vào đó để trở nên thông minh. Người Trung Quốc đã mất tất cả những điều này, ngoài việc bị lừa gạt mãi mãi, làm sao họ có thể thoát khỏi số phận ngu dốt?
Để củng cố lập luận cho các kết luận trên, chúng ta có thể trích dẫn một vài phát biểu có ảnh hưởng sâu sắc của Khổng Tử, Lão Tử và các vị Thánh khác:
Khổng Tử có “ba nỗi sợ” nổi tiếng: “Sợ thiên mệnh, sợ đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân”;
Lão Tử có “ba báu vật” nổi tiếng: “Ngã hữu tam bảo, nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên” (Ta có ba báu vật, tột là khoan từ, hai là tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ);
Hàn Phi Tử có một cách nói nổi tiếng rằng cần phải xoá bỏ “ngũ đố” (5 con mọt). “5 con mọt” này là “các học giả, người kể chuyện, kiếm sĩ, kẻ sợ hãi phụ vụ binh dịch và thương nhân.”
Giới thống trị Trung Quốc, văn nhân Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc liệu có thể trở nên thông minh dưới những chuẩn mực của các Thánh nhân hay Pháp gia kể trên hay không? Người đọc có thể tự nghĩ thử xem. Mặc gia thánh nhân – Mặc Tử khác với các vị vừa kể ở trên, ông đề xướng “Tam biểu pháp”: “bản chi giả, nguyên chi giả, dụng chi giả”. “Bản” là khảo sát nguồn gốc lịch sử của sự vật, “nguyên” là biết nguyên nhân phát sinh của sự vật và “dụng” là kiểm nghiệm kết quả vận hành của sự vật. Đây là một phương pháp tư duy có nhiều giá trị. Rõ ràng, trong số các vị Thánh trong thời tiền Tần ở Trung Quốc, chỉ có Mặc Tử thực sự coi trọng việc khảo sát mối quan hệ giữa tư duy và sự tồn tại, chỉ có Mặc Tử mới thực sự có công cụ tư duy – tri thức logic. Thật đáng tiếc khi Mặc Tử, người có thể thúc đẩy người Trung Quốc tiến lên, đã bị người Trung Quốc (đầu tiên tất nhiên là giới thống trị) bỏ rơi, bị xem nhẹ và lãng quên suốt hơn 2.000 năm qua. Trong hơn 2000 năm, đặc biệt là 500 năm trở lại đây, thật đáng cho vận mệnh người dân Trung Quốc chỉ ngày càng trở nên ngu dốt hơn, cho đến khi trí tuệ, triết học và khoa học phương Tây theo người phương Tây xâm lược mà truyền vào Trung Quốc.
Đọc tiếp phần 3 – chương 28: Vì sao người phương Tây cận đại có thể trở nên ngày càng thông minh?