Chúng ta ở đây nói về khoa học hiện đại. Đầu tiên, nó là một tinh thần tìm kiếm tri thức của con người, một phương pháp tư duy để tìm kiếm tri thức. Thứ hai, nó là một nghề nghiệp trong xã hội, một dạng nghề nghiệp chuyên môn giúp con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, cải tạo khả năng của con người. Cuối cùng, nó đã trở thành tri thức phổ biến được dùng làm tài liệu trong các trường học.
Ba cấp độ kể trên của khoa học hiện đại, bất kể cấp độ nào đều không có khả năng xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc trong bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Sách giáo khoa truyền thống của Trung Quốc luôn luôn là kinh điển Nho giáo, và không cần phải chứng minh điều này. Trong truyền thống Trung Quốc cũng không thể có những chuyên gia có khả năng đưa ra những kỹ thuật mới để biến đổi tự nhiên, biến đổi xã hội và biến đổi con người. Hoặc nếu có đi chăng nữa thì là những Đạo gia luyện đan phục vụ cho ước nguyện trường sinh của các hoàng đế cổ đại, những người này hoặc là thuộc về hoàng gia, hoặc là những người tránh xa trần thế chứ hoàn toàn không phải một nghề nghiệp. Càng quan trọng hơn, phương pháp tư duy của Đạo gia theo chủ nghĩa tự nhiên (là chủ nghĩa chỉ chú trọng miêu tả những hiện tượng cá biệt hoặc chi tiết nhỏ trong cuộc sống, không thể phản ánh chính xác bản chất của xã hội), chủ nghĩa tương đối (là 1 dạng chủ nghĩa duy tâm, chỉ thừa nhận tính tương đối của tri thức nhân loại, phủ nhận trong tính tương đối của tri thức có bao hàm thành phần tuyệt đối, từ đó mà không nhìn nhận tri thức khách quan) và chủ nghĩa thần bí khác xa với khoa học hiện đại. Dưới đây, điều chúng ta sẽ tập trung thảo luận chính là tinh thần đặc thù của người Trung Quốc, phương pháp tư duy đặc thù đã cản trở khả năng khám phá khoa học hiện đại của người Trung Quốc. Nói cách khác, người Trung Quốc vĩnh viễn không có khả năng phát hiện và phát triển khoa học hiện đại sớm nhất. Nói như thế, tuyệt đối không có ý coi thường năng lực của người Trung Quốc. Mà sự thực là do người Trung Quốc đã đi một con đường tinh thần khác với người phương Tây.
Tôi nghĩ rằng phương pháp tư duy truyền thống của người Trung Quốc và phương pháp tư duy khoa học của người phương Tây gần như trái ngược hoàn toàn ở ba phương diện sau đây:
(1) Quan niệm của người Trung Quốc chỉ có ý nghĩa tương đối, trong khi người phương Tây coi trọng sự rõ ràng tuyệt đối của quan niệm.
Khổng Tử, một thánh nhân của Trung Quốc cổ đại, đặc biệt chú ý đến đẳng cấp thân phận của con người, nhưng ông không bao giờ định nghĩa các quan niệm do ông đề xuất. Do đó những quan niện như “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”, “tín”, “hiếu”, “đễ”, “trung”, “thứ”,…đều do kinh nghiệm của mỗi người mà diễn giải. Ví dụ như con đối với cha thì “hiếu”, em đối với anh thì “đễ” (kính nhường), quan đối với vua thì “trung”. Hoặc là xem xét ý nghĩa trong quan hệ với các từ khác, ví dụ như “nhân”, “nhân giả ái nhân” (người nhân ái thì yêu người), “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (lời nói và hành động luôn theo lễ nghĩa mới là con người), “hiếu đễ vi nhân chi bản” (hiếu kính là đức tính cơ bản của con người)…tất cả đều thông qua các kinh điển cổ đại của Trung Quốc, đặc biệt là Tứ Thư Ngũ Kinh, cơ bản là không có tư duy lý luận đầy đủ và logic, mà chỉ có tính độc đoán trong những tâm đắc của thánh nhân. Vì không cần phải suy luận, nên hầu hết các quan niệm này không cần phải được định nghĩa chính xác và cũng không cần trở thành khái niệm. Mà ngược lại có thể nói, do không có định nghĩa chính xác, nên không cần tính logic chính xác mà chỉ có duy nhất là tính độc đoán của thánh nhân. Lấy ví dụ như 8 quan niệm trong quyển “Đại học” (1 quyển trong tứ kinh), “cách vật”, “chí tri”, “thành ý”, “chính tâm”, “tu thân”, “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”, rất khó sử dụng phương pháp logic nào để phân tích mối liên kết của chúng. Chúng ta rất khó nói cái nào là tiền đề cơ bản, cái nào chỉ là suy luận, và cũng khó nói quan hệ giữa chúng thuộc vào mối quan hệ logic nào. Thà nói rằng nó có logic còn hơn nói nó không có logic, nhưng nó chỉ thuộc vào tính tư duy độc đoán đặc thù của người Trung Quốc. Kết quả của kiểu tư duy này chỉ khiến con người phải ghi nhớ, chứ không làm cho con người thu nhận được lý luận mà thông qua đó truyền dạy lý lẽ. Các vị thánh nhân cổ đại Trung Quốc đã sáng tạo ra một nền tảng văn hoá dạy tình, dạy lễ chứ không dạy lý lẽ. Tất cả các quan niệm tồn tại vĩnh viễn trong ý nghĩa tương đối chứ không cần phải làm sang tỏ hoàn toàn. Tình trạng này đã không thay đổi nhiều ngay cả sau sự phát triển vào triều đại Tống và Minh. Những vấn đề khoa học, khí công, đạo đức, nhạc cụ, tâm tính, thân thể rất khó sử dụng những quan niệm của Nho học để làm rõ về mặt logic. Tư duy của Nho giáo đã vậy, chủ nghĩa tương đối của Đạo giáo lại càng trầm trọng hơn. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đều là cân đối giữa âm dương, cương nhu (cứng và mềm), cường nhược (khoẻ và yếu), chứ căn bản là không tìm thấy quan niệm có ý nghĩa và chuẩn xác hơn. “Phản giả đạo chi động” (Luật vận hành của Đạo là quay trở về), “nhất âm nhất dương vị chi đạo” (Một âm một dương gọi là Đạo), “đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” (Đạo có thể coi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn, Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn), toàn bộ là tư duy theo chủ nghĩa tương đối.
Không giống như người Trung Quốc, người phương Tây tiếp nhận tinh thần tôn giáo tín ngưỡng của người Do Thái cổ đại và tinh thần tìm kiếm tri thức của người Hy Lạp cổ đại, do đó nhu cầu về tính chính xác của các quan niệm và định nghĩa rõ ràng của khái niệm đã đạt đến mức đam mê đối với các nhà tư tưởng của họ. Sự trừu tượng của người Do Thái về chiều cao của Thượng Đế, phép biện chứng của Socrates (thực ra là phép biện luận), chủ nghĩa trừu tượng cao độ của Plato, hình thức logic của Aristotle, tiên đề hình học của Euclid … nhất định là không cho phép sự tương đối mơ hồ của bất kỳ quan niệm nào. Cả hai truyền thống đó đều giúp nuôi dưỡng tính tuyệt đối trong thói quen suy nghĩ trừu tượng ở người phương Tây.
(2) Tư duy của người Trung Quốc nói về tổng thể, còn người phương Tây coi trọng phân tích về khái niệm của đối tượng.
Các vị thánh nhân của Trung Quốc cổ đại dường như chỉ quan tâm đến con người, vì vậy phương pháp tư duy mang nặng những đặc trưng liên quan đến con người, các phương diện không thể tách rời. Tính tổng thể của con người đã quyết định tính tổng thể trong tư duy của người Trung Quốc cổ đại. “Dịch Kinh”, “Lão Tử” mặc dù nói về âm dương, nhưng không phải là phân tích âm và dương, mà là cho rằng nam và nữ, mặt trời và mặt trăng, âm và dương…là hai mặt của 1 thể không thể tách rời, từ đó quy nạp thành tính tổng thể trong quy luật biến hoá của sự vật, tạo ra những kiến thức sơ khai. Cách kiến giải rằng hết thảy mọi vật biến hoá đều có âm dương so với cách phân tích từng cặp phạm trù vật chất và tinh thần, nguyên nhân và kết quả, nội dung và hình thức,… của người phương Tây hiển nhiên có sự khác biệt. Cách kiến giải của người Trung Quốc không cần chia nhỏ, trong khi người phương Tây chắc chắn là cần, vì không phân tách nên không thể định nghĩa, không thể giải thích chính xác. Các thánh nhân Trung Quốc cổ đại đối với vạn sự vạn vật chỉ “một câu có thể khái quát”, Nho gia trong “Dịch truyền” (Tác phẩm kinh điển giải thích Dịch Kinh) nói “Thái cực”, Lão Tử nói “Đạo”, Trang Tử nói “Sinh tử tồn vong là một”, “Vạn vật với ta là một”, Hán Nho giảng rằng “Trời người hợp nhất”, Hoàng đế nội kinh giảng rằng Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ ngũ hành tương sinh tương khắc ví như quan hệ giữa ngũ tạng của con người, lại lấy sự cân bằng âm dương để giải thích sức khoẻ của con người… là “Thái cực”, “Đạo”, “Nhất”, “Thể”…v.v. Tất cả những quan niệm này cho thấy rằng tư duy truyền thống của người Trung Quốc có đặc trưng tổng thể. Trong mắt người Trung Quốc, thiên nhiên là một, xã hội là một, con người là một, trời đất và người vẫn là một, mọi thứ đều được lý giải trong một chữ “Nhất”, vì vậy mà tất cả những điều này chỉ có thể là hỗn độn, mơ hồ chứ không thể rõ ràng. Nhu cầu về sự rõ ràng của Trung Quốc chỉ là con người, mà đặc biệt là dựa theo những quy định về “Lễ” để chia ra đẳng cấp của con người. Theo Khổng Tử con người có 5 đẳng cấp: Thiên tử, chư hầu, đại phu (chức quan to thời xưa), sĩ (1 tầng lớp xưa, cao hơn dân), và dân. Cả 5 được thống nhất bởi thiên tử. Quan niệm đại nhất thống của người Trung Quốc chính là từ tư duy tổng thể của các vị thánh nhân cổ đại.
Tinh thần truyền thống của người phương Tây, đặc biệt là tinh thần tìm kiếm tri thức truyền thống của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại coi trọng phương pháp tư duy phân tích. Các nhà triết học Hy Lạp khi nghiên cứu về các vấn đề của tự nhiên đã đưa ra lý thuyết nguyên tố, lý thuyết nguyên tử, nhấn mạnh phân tích logic và định nghĩa rõ ràng các khái niệm. Cho đến nay, trong khoa học tự nhiên phương Tây thí dụ như phân tử, nguyên tử, electron, nucleon, proton, neutron, hạt cơ bản, tế bào, nhiễm sắc thể, gen, DNA, v.v., đều là sản phẩm của tư duy phân tích. Những tri thức này vĩnh viễn không thể sinh ra dựa theo tư duy tổng thể hữu cơ truyền thống của người Trung Quốc.
(3) Tư duy của người Trung Quốc có đặc trưng của thuyết tuần hoàn, tư duy của người phương Tây có đặc trưng của thuyết tiến hóa.
Các đặc trưng trong tư duy tổng thể hữu cơ truyền thống của người Trung Quốc thực ra là các đặc trưng của thuyết tuần hoàn. Dịch Truyền nói: “Một âm một dương gọi là đạo”, “Sinh sinh chi vị dị” (phàm là sự vật, tất cả đều chuyển động và biến hoá), “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng”, “Lưỡng nghi” là âm dương, “Tứ tượng” là xuân, hạ, thu, đông,…rõ ràng là có đặc điểm của thuyết tuần hoàn. Lão Tử nói “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập bất biến, chu hành nhi bất đãi” (có 1 vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất, nó yên lặng trống không, độc lập và không thay đổi, vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng – nó có thể coi là mẹ của vạn vật trong thiên hạ, gọi là Đạo), “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Người theo đất, đất theo trời, trời theo đạo, đạo theo tự nhiên), “Phản giả đạo chi động” (Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu), v.v đều rõ ràng là có đặc điểm của thuyết tuần hoàn. Hoàng đế nội kinh nói ngũ hành tương sinh tương khắc. Mạnh Tử nói năm trăm năm tất có đấng vương giả dấy lên, và khoảng thời gian ấy tất có người danh thế. Đoạn khởi đầu trong Tam quốc diễn nghĩa nói “Thế lớn trong thiên hạ hợp lâu sẽ phân, phân lâu sẽ hợp”…toàn bộ đều phản ánh thuyết tuần hoàn trong tư duy đặc trưng của người Trung Quốc.
Khác với người Trung Quốc, tư duy tiến hóa đã tồn tại từ lâu trong tinh thần truyền thống của người phương Tây. Thuyết tiến hóa của Darwin xuất hiện sau đó, chưa kể rằng gốc rễ thực sự của thuyết tiến hóa của người phương Tây thực ra là từ Moses, tổ tiên của người Do Thái. Moses đã hoàn thành các bước trừu tượng hóa Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo ra nhân loại và lịch sử nhân loại, lịch sử của nhân loại là lịch sử cải cách cái ác thành cái thiện. Do đó, lịch sử nhân loại không chỉ là sự lặp lại, quan trọng hơn đó là sự tiến bộ và tiến hóa. Các tín đồ của Thiên Chúa muốn được cứu vớt, vì vậy mà cuộc sống của họ không thể là sự lặp lại đơn giản, mà là không ngừng tiến bộ, vươn lên và lên thiên đàng. Các nhà triết học Hy Lạp lấy định nghĩa rõ ràng là việc tìm kiếm kiến thức, cũng giống như các đặc trưng của tư duy tiến hóa.
Các vị thánh nhân Trung Quốc cổ đại hết lòng tin vào bản chất thiện con người, nên tiêu điểm của tư duy hướng vào tự thân của con người, và tự nhiên không thể thoát khỏi trói buộc của thuyết tuần hoàn. Những so sánh về tư duy truyền thống của người Trung Quốc và người phương Tây đều được phản ánh rõ ràng qua lịch sử của mỗi bên.
Ngày nay chúng ta biết rằng, trong tư duy khoa học hiện đại và đặc biệt là khoa học lúc mới ra đời, có ba yếu tố cần thiết đó là tính tuyệt đối, tính phân tích và tính tiến bộ. So với ba đặc trưng này, tư duy truyền thống của người Trung Quốc hoàn toàn trái ngược, do đó có thể thấy rõ ràng rằng trong lịch sử truyền thống của người Trung Quốc không thể tạo ra trào lưu tư tưởng của khoa học hiện đại.
Trong trường hợp này, một số người có thể hỏi tại sao người phương Tây không sớm phát triển khoa học, mà phải đợi đến thế kỷ 16 mới bắt đầu phát triển khoa học hiện đại. Về việc này, câu trả lời của tôi như thế này.
Mặc dù trong thói quen tư duy truyền thống, người phương Tây đã gần với tư duy khoa học hiện đại hơn người Trung Quốc, nhưng hệ thống khoa học không chỉ là một hệ thống tư duy, mà còn là một hệ thống nghề nghiệp xã hội, hoặc nên có nhu cầu xã hội tương ứng, bao gồm nhu cầu tinh thần trong cuộc sống. Những nhu cầu này đã không xuất hiện hoặc bị đàn áp ở phương Tây cổ đại, đặc biệt là thời Trung Cổ. Ở Hy Lạp cổ đại, các nhà triết học Hy Lạp cổ đại chỉ thiên về tư duy trừu tượng to lớn (như hình học) mà phản đối nghiên cứu thực tiễn nhỏ bé, Plato là đại diện của loại thành kiến này. Còn đến thời Trung Cổ, sức mạnh của sự đàn áp chủ yếu đến từ giáo hội.
Trong phần trước của quyển sách này chúng ta đã bàn về ba trạng thái tinh thần phải tồn tại khi khoa học xuất hiện. Những trạng thái này ít nhất phải được thể hiện ở một số người, đó là:
(1) Không mê tín, luôn có tinh thần đối mặt với sự vĩnh hằng mà theo đuổi chân lý;
(2) Không nói suông, luôn có tinh thần đối mặt với kết cục mà theo đuổi trải nghiệm thật;
(3) Không thoả mãn, luôn có tinh thần hướng đến tự do mà theo đuổi cái đẹp.
Trong thời Trung Cổ phương Tây, do sự lũng đoạn của giáo hội đối với lĩnh vực tinh thần, ba trạng thái tinh thần kể trên rất khó thể hiện. Chúng ta có thể thấy từ sự đàn áp của giáo hội Công giáo đối với Copernicus, Bruno và Galileo. Tuy nhiên, các cải cách tôn giáo và phong trào Phục hưng bắt đầu từ thế kỷ 16 đã mang lại hy vọng cho người phương Tây bước vào một kỷ nguyên mới. Các cải cách Tin Lành đã đả kích vào giáo hội để những người có tinh thần tín ngưỡng có thể đến thẳng với Thượng Đế và Chúa Kitô mà không cần qua trung gian. Điều này giúp phá vỡ sự lũng đoạn của giáo hội đối với các tư tưởng tinh thần và chọc thủng làn khói mê tín. Theo Max Weber, có mối lý luận tương quan giữa tinh thần tư bản chủ nghĩa và lý luận của đạo Tin lành; R.K. Merton trong luận án tiến sĩ đã đề xuất mối tương quan giữa sự phát triển của khoa học Anh trong thế kỷ 17 và tinh thần của chủ nghĩa Thanh giáo. Quan điểm của Merton vừa đúng chứng thực cho sự phát triển của ba tinh thần kể trên.
(1) “Ngợi ca Thượng Đế” và ngợi ca kiệt tác của Thượng đế là giống nhau, tín ngưỡng và quyết định lý tính không mâu thuẫn, và cả hai đều trở thành những đức tính được các giáo đồ Thanh giáo rất tôn sùng. Trực tiếp phản đối sự mê tín vào Thượng đế, lý trí cũng phản đối sự mê tín, cả hai đều khuyến khích giáo đồ Thanh giáo trực tiếp đối mặt với sự vĩnh hằng và dũng cảm theo đuổi chân lý.
(2) “Đối với Thượng Đế, phục vụ công ích là sự phục vụ vĩ đại nhất “, “Vì vậy, một kiểu chủ nghĩa công lợi xã hội được thiết lập như một tiêu chuẩn quan trọng”, “Mệnh Định thuyết” của Jean Calvin thúc đẩy giáo đồ Tin lành tích cực và siêng năng tham gia vào các công việc xã hội để xác nhận rằng họ là người được Thượng đế chọn. Tinh thần kiêng khem của những giáo đồ Thanh giáo càng làm nổi bật tinh thần trải nghiệm cho sự hướng thiện của lao động.
(3) Dùng kinh nghiệm để kiểm nghiệm lý thuyết đó mới là lý tính chân chính, “Nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên là một phương tiện hiệu quả để thúc đẩy sự ngợi ca Thượng Đế”, cũng là cách thưởng thức vẻ đẹp kiệt tác của Thượng Đế. Về mặt này, mọi người sẽ không bao giờ có cảm giác thỏa mãn, mọi người sẽ luôn đối mặt với tự do và không ngừng theo đuổi mỹ cảm mới và ngợi ca sự vĩ đại của Thượng Đế.
Thông qua việc phân tích tinh thần luân lý của Chủ nghĩa Thanh giáo, Merton giải thích phần lớn lý do tại sao khoa học hiện đại được sinh ra đầu tiên ở Anh. Nó bao gồm chính xác 3 điều kể trên (không mê tín, không nói suông, không thoả mãn). Trái lại, văn hóa truyền thống Trung Quốc chứa đầy những mê tín về thánh nhân, đại nhân và thiên mệnh; nó chứa đầy những lời nói suông của Nho gia về đạo đức; nó chứa đầy tinh thần trì trệ “tri túc thường lạc” (biết đủ thường vui), “bất cầu thậm giải” (không cần giải thích sâu). Tinh thần văn hóa truyền thống của Trung Quốc đã quyết định người Trung Quốc không thể phát triển khoa học hiện đại của nhân loại sớm nhất. Mặc dù người Trung Quốc không thể phát triển sớm khoa học hiện đại của nhân loại, nhưng người Trung Quốc cũng có khoa học và kỹ thuật độc đáo của riêng họ, nhất là tứ đại phát minh của người Trung Quốc gồm làm giấy, in ấn, la bàn và thuốc súng, trên thực tế nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa hiện đại phương Tây. Làm giấy và in ấn đã giúp thúc đẩy sự truyền bá tư tưởng trong phong trào Tin lành và Phục hưng. La bàn và thuốc súng đã cung cấp các công cụ và vũ khí không thể thiếu cho người phương Tây để mở rộng lãnh thổ và các hoạt động mạo hiểm đến các nơi trên thế giới. Các nhà sử học, khoa học phương Tây thậm chí còn cho rằng các phát minh kỹ thuật của Trung Quốc chiếm hơn một nửa trong số tất cả các phát minh kỹ thuật của con người từ thời cổ đại. Mặc dù vậy, các lý thuyết khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc khá kém phát triển. Nguyên nhân căn bản của điều này chính xác là những gì chúng ta đã phân tích ở trên: người Trung Quốc không thiếu kinh nghiệm phát minh và khám phá, nhưng thiếu tinh thần tín ngưỡng và tinh thần tìm kiếm kiến thức thực sự, thiếu không gian để tự do suy nghĩ, thiếu lý luận của tư duy trừu tượng. Những vấn đề này chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau.
Đọc tiếp chương 11: Tại sao “thời trung cổ” của người Trung Quốc lại kéo dài như thế?