Tôn Trung Sơn đã từng than rằng người Trung Quốc như “một đống cát rời”. Người Trung Quốc có thật là “một đống cát rời” chăng? “Đống cát rời” này tại sao hơn 2000 năm qua liên tục tạo thành 1 đế quốc thống nhất to lớn nhất trong lịch sử nhân loại, như vậy chẳng rõ ràng là mâu thuẫn sao?
Người Trung Quốc và người Do Thái thực sự là hai dân tộc cực đoan. Người Do Thái hơn 2000 năm trước đã mất quê hương, và họ sống một cách rải rác ở các nước trên thế giới. Họ lấy đất nước của những người khác thành quốc tịch, nhưng kiên trì với tôn giáo và phẩm chất của dân tộc mình. Ngược lại, người Trung Quốc kể từ thời Tần và Hán tới nay luôn là một nước to lớn nhất thế giới, nhưng lòng người phân tán giống như cát rải, người Trung Quốc có chữ viết thống nhất, nhưng không có tôn giáo thống nhất, thậm chí không có phẩm chất dân tộc nào thống nhất rõ ràng. Sự khác biệt giữa người Trung Quốc với người Trung Quốc đôi khi lớn hơn sự khác biệt với người nước ngoài.
Lịch sử hơn 2000 năm của Trung Quốc thực tế là lịch sử của các dân tộc bên ngoài không ngừng tiến vào Trung Nguyên. Vì vậy, nó cũng là lịch sử của sự hội nhập liên tục của các dân tộc khác nhau. Mãn Thanh, Mông Nguyên, còn chưa kể thời Ngũ Đại Thập Quốc cuối triều Đường, thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều cuối triều Hán, thậm chí khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc vào cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc, tất cả đều có thể xem là những ngoại tộc ngoài biên cương tiến vào Trung Nguyên. Những người đã biết lịch sử Trung Quốc có thể dễ dàng kết luận rằng người Trung Quốc rất dễ dàng bị chinh phục. Nhưng người Trung Quốc dường như cũng có điều đắc ý đó là: Kết cục cuối cùng thì sao? Những dân tộc tiến vào Trung Nguyên hầu như đều bị người Hán ở Trung Nguyên đồng hoá. Người Hán thì sao, đầu tiên như là một hỗn hợp của nhiều dân tộc. Ngay cả những người Do thái với tinh thần dân tộc cao nhất cũng không thể chịu đựng được sự đồng hóa của lực lượng khổng lồ này. Người Trung Quốc là gì? Người Trung Quốc thực ra là một nhóm người lớn. Thật đáng nghiên cứu xem rằng nhóm người Trung Quốc này so với nhóm người ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản có gì khác nhau mà lại để Tôn Trung Sơn và không ít người khác cảm thấy giống như “một đống cát rời”? Ngay cả người gốc Hoa ở Mỹ ngày nay cũng cảm thấy rằng dân tộc của họ ít gắn kết hơn so với người châu Âu và thậm chí cả người Nhật. Gần đây còn có người nói rằng, kẻ phá đám những người gốc Hoa làm chính trị ở Mỹ lại chính là đồng bào của họ. Đối với những hiện tượng này, chúng ta phải giải thích như thế nào?
Để giải thích hiện tượng này, điều quan trọng là giải quyết vấn đề thế nào là lực gắn kết của dân tộc hoặc xã hội, hoặc giữa con người với con người.
Lực gắn kết của xã hội được chia thành ba loại: Một là lực gắn kết chính trị, hai là lực gắn kết kinh tế, và thứ ba là lực gắn kết của văn hóa và tư tưởng.
Lực gắn kết chính trị thực ra là quyền lực. Lực gắn kết của quyền lực phân thành 2 mặt, một mặt, sự áp bức của quyền lực đối với các thành viên xã hội, hoặc được hậu thuẫn bởi sự đe doạ vũ lực, mặt khác, sự thu hút của quyền lực đối với các thành viên xã hội, hoặc từ quan điểm của các thành viên xã hội, họ chủ động quan tâm tới quyền lực.
Nhìn từ truyền thống của xã hội Trung Quốc, quyền lực xã hội chỉ lệ thuộc vào gia tộc của hoàng đế, mặc dù thông qua chế độ thi cử vẫn không ngừng tiếp nhận một số ít người đọc sách (gọi là nho sinh) gia nhập vào giai cấp quyền lực, nhưng nhìn từ góc độ của tất cả các thành viên trong xã hội, kiểu quyền lực này đối với họ chủ yếu là áp bức và uy hiếp. Nỗi sợ hãi của người dân thường Trung Quốc đối với quan lại trên thực tế đã sớm trở thành một chứng bệnh quen thuộc, và đã quá muộn để tránh nó. Các quán trà, quán rượu thường dán các cảnh báo “không bàn chuyện nhà nước” để tránh các rắc rối. Sự miễn cưỡng không quan tâm chính trị của người Trung Quốc thực tế đã có truyền thống hơn 2000 năm. Từ đó có thể thấy rằng, lực gắn kết của chính trị đối với xã hội Trung Quốc cao nhất thì cũng chỉ phát huy được một nửa, và một nửa là những người không cam tâm tình nguyện đón nhận áp bức.
Lực gắn kết của kinh tế chủ yếu được biểu hiện trong quan hệ lưu thông tiền tệ. Việc lưu thông tiền tệ đại diện cho sự lưu thông của cải và lợi ích xã hội. Sự ổn định của giá trị tiền tệ, sức mạnh tín dụng của nó, mức độ phổ quát của nó trong lưu thông toàn xã hội, v.v. là những tiêu chí quan trọng của tính tổ chức hoặc khả năng huy động của một xã hội. Bởi vì việc phân phối lại lợi ích thông qua việc lưu thông tiền tệ có liên quan chặt chẽ với các thành viên của xã hội.
Xã hội Trung Quốc từ lâu đã là một xã hội nông nghiệp phổ biến và kém phát triển, phạm vi sử dụng tiền bạc và khả năng phân phối lại lợi ích trong xã hội là vô cùng hạn chế. Nền kinh tế tiểu nông khiến cho hầu hết cuộc sống của nông dân rời xa các giao dịch thị trường, và hầu hết các phương tiện sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Không chỉ những người bình thường, mà cả bổng lộc của quan viên cũng bằng hiện vật, chẳng hạn được biểu thị qua bao nhiêu thạch gạo. Lợi ích kinh tế của mọi người thiếu tính tổ chức xã hội, đó là nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội Trung Quốc từ lâu đã trở thành “một đống cát rời”. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân quan trọng duy nhất.
Là một loại của sức mạnh kinh tế, một học giả Mỹ (K. A. Wittfogel) đã quá phóng đại sức mạnh của trị thuỷ đối với tổ chức xã hội Trung Quốc, ông thậm chí coi nhu cầu trị thuỷ đã có vai trò quyết định hình thành chủ nghĩa cực quyền (hay chủ nghĩa chuyên chế phương Đông). Thực ra các nhận định trong cuốn sách “Các cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc” từ lâu đã được thảo luận và được cho là không phù hợp với xã hội cổ xưa của Trung Quốc. Yếu tố quyết định sự hình thành nền chuyên chế không phải do các nguyên nhân kinh tế mà là truyền thống chính trị. Nói cách khác là do văn hoá tư tưởng, nguyên nhân là thánh nhân cổ xưa của Trung Quốc đã có các quan điểm sai lầm về bản chất con người. Vấn đề này chúng ta sẽ thảo luận sau, ở đây muốn chỉ ra rằng việc trị thuỷ dù có một vai trò nhất định trong tổ chức xã hội, nhưng tính quan trọng so với những lợi ích kinh tế hằng ngày của mọi người thật không đáng kể. Mặt khác như đã nói ở trên, do sự phân tán, cô lập, và khép kín của nền kinh tế tiểu nông truyền thống, những lợi ích kinh tế hằng ngày của mọi người đối với sự tổ chức xã hội lại rất nhỏ bé. Điều này là một nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội Trung Quốc trở thành “một đống cát rời”.
Quan trọng hơn, lý do thực sự khiến cho người Trung Quốc trở thành “một đống cát rời” là do sự nhận thức về bản chất con người trong suốt nền lịch sử lâu dài. Đối với một nước Trung Quốc có lãnh thổ bao la và dân số lớn như vậy, sức mạnh chính khiến nó có thể gắn kết là văn hóa tư tưởng. Trung ương cực quyền, trời ở cao vua thì ở xa, quyền lực đối với sự gắn kết của xã hội chỉ là bề ngoài, điều thực chất khiến cho mỗi người Trung Quốc cảm thấy mình là 1 thành viên của một xã hội thống nhất chính là văn hoá và tư tưởng cộng đồng. Chữ Hán là một nền tảng và công cụ chính của văn hoá và tư tưởng. Nếu nói rằng chữ Hán đã thống nhất Trung Quốc, tôi thấy rằng không hề có một chút gì là quá đáng (chức năng truyền tải thông tin của chữ Hán thật không có ngôn ngữ nào có thể so sánh được). Ngoài chữ Hán, còn có một Thánh nhân đã giúp thống nhất Trung Quốc đó là Khổng Tử, dựa trên việc sáng tạo ra các nguyên tắc tinh thần. Khổng Tử cho rằng con người sinh ra vốn là thiện, mà thiện sẽ khắc kỷ (nghiêm khắc với bản thân), lễ nhượng (lễ nghĩa, nhún nhường), hiếu đễ (có hiếu), trung thứ (trung thành – khoan thứ), thực chất đó là tinh thần “Yêu người”. Nguyên tắc tinh thần của Khổng Tử hoàn toàn độc lập với các nguyên tắc tiên tri của người Do Thái cổ đại và tinh thần của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, cả hai đều có xu hướng cho rằng bản tính con người là ác, và họ tin rằng thiện là tin vào Thượng đế và tri thức.
“Yêu người” của Khổng Tử cùng với “Tín ngưỡng” và “Tri thức” là 3 nguyên tắc tinh thần vĩ đại của nhân loại, chúng dường như đồng thời dẫn dắt ba nền văn hoá vĩ đại ở phương Đông và phương Tây. Tinh thần “Yêu người” của Khổng Tử tuy vĩ đại, nhưng quan điểm cho rằng bản chất con người vốn thiện (đặc biệt sau khi Mạnh Tử khẳng định lại) là một sai lầm lớn, và chính sai lầm này đã tạo thành quy luật của nền văn hoá Trung Quốc, và trong suốt chiều dài lịch sử nó khiến cho con người khó khắc phục những mâu thuẫn trong chính bản thân mình. Như chúng ta đã nói ở trước, bản chất của con người vốn là ác, thể hiện qua sự bướng bỉnh, lười biếng và ghen tuông.
Quan điểm cho rằng bản chất con người là thiện của Thánh nhân cùng với bản chất thực sự của con người là ác đã gây ra sự mâu thuẫn. Nó khiến cho những đề xướng của Thánh nhân như: khắc kỷ, lễ nhượng, hiếu đễ, trung thứ trở thành công cụ lừa dối của những kẻ xấu để chiếm đoạt quyền lực trong lịch sử Trung Quốc. Và thế mà từ thời Khổng Phu Tử đến nay, văn hoá của Trung Quốc đã mắc phải chứng bệnh giả dối. Hơn 2000 năm sau, người Trung Quốc thật sự có thể đạt đến “thiện” chỉ ở một chữ, đó là hiếu, ở đó có chút công của Khổng Phu Tử, vì ông ấy đã nói, hiếu là bản chất của con người, nó làm cho tinh thần “Yêu người” của người Trung Quốc cuối cùng cũng có chút hy vọng, nhưng ngay cả hy vọng nhỏ nhoi này cũng có nguy cơ biến mất. Các thứ khác như “trung”, “tiết”, “nghĩa”, “khắc kỷ”, “lễ nhượng” toàn bộ là giả. Người Trung Quốc có thể không cần đất nước, nhưng không thể không cần gia đình. Bởi vì việc nước chẳng qua chỉ là miệng lưỡi nhà quan, nó là một trò chơi bịp người, nhưng việc nhà là thật. Giữa người Trung Quốc, lễ nghi thì có tăng nhưng thực chất thì nghi ngờ đầy bụng: “Không biết người này có chủ ý gì với mình”. Cũng giống như từ xưa tới nay luôn có câu “Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng”, “sự thực cũng chớ tin, người nhân ái cũng phải phòng”, “trong núi có cây thẳng, trên đời không có người ngay thẳng”, “gặp người chỉ nói 3 phần, không thể trao cả trái tim”, đó là những lời khuyên quý báu của người Trung Quốc, thực quá khó để liệt kê hết, tại sao vậy? Đó là do văn hoá Trung Quốc đã tạo ra người Trung Quốc.
Như đã chỉ ra ở trên, người Trung Quốc từ xưa đã thiếu tinh thần tín ngưỡng, không có vị trí vĩnh cửu của “Thần” trong lòng người Trung Quốc. Người Trung Quốc sẽ không vì nói lời giả dối mà cảm thấy bị khiển trách trong lương tâm, vì trong lòng người Trung Quốc không có “Thần” thực sự. Đồng thời, người Trung Quốc từ xưa cũng thiếu tinh thần “tìm kiếm tri thức”, người Trung Quốc đã sai lầm tin rằng tri thức của Thánh nhân đã đạt đến giới hạn, ai cũng không nghĩ (và không dám) nghi ngờ lời của Thánh nhân. Do đó, người Trung Quốc làm sai rồi cũng không tự xem xét lại để tìm ra kiến thức đúng đắn, mà tự an ủi bản thân rằng “con người không phải Thánh hiền”. Điều duy nhất khiến người Trung Quốc cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã đó là phá hoại “tình cha nghĩa mẹ”, điều này may mà được cha mẹ và Thánh nhân giáo huấn.
Một người thiếu đi tinh thần tìm kiếm đến những giá trị vĩnh hằng sẽ không mở rộng phạm vi quan tâm của mình đến gia đình, thậm chí không ra khỏi bản thân mình, ánh sáng tâm hồn của anh ta cùng lắm cũng chỉ chiếu rọi tới một vài người, đó là cha mẹ, vợ con, anh em.
Thử hỏi như vậy người Trung Quốc làm sao có thể không như “một đống cát rời” được?
Khi kẻ địch trước mặt, vận nước khó khăn, tuy có không ít người anh dũng kiên cường, nhưng chỉ vẻn vẹn vài Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Vu Khiêm, Viên Sùng Hoán…làm sao có thể dẫn dắt cả đám đông có tầm nhìn hạn hẹp. Đó là nguyên nhân tại sao hơn 2000 năm qua có bao nhiêu ngoại tộc có thể tiến vào Trung Nguyên.
Ngoài ra, chính “một đống cát rời” trên thực tế lại là nguyên nhân của một đất nước thống nhất. Chỉ vài kẻ xấu tranh bá, kẻ nào thắng thì được mọi người xưng làm vua, “thắng làm vua, thua làm giặc”, từ xưa đã như vậy. “Một đống cát rời” tuy khó tổ chức để chống lại sự xâm lược, nhưng một khi có kẻ dùng quyền lực thống trị, sẽ rất dễ dàng. Có bao người cuối thời Tống, thời Minh đáng thương như mất cha mất mẹ, ai ngờ rằng, con cái của họ hôm nay ca tụng Thành Cát Tư Hãn, Hoàng Thái Cực, Khang Hy giống như liệt tổ liệt tông. Rốt cuộc đó là nỗi buồn hay sự rộng rãi của văn hoá Trung Quốc?
Đọc tiếp chương 9: Tại sao người Trung Quốc khó hợp tác?